Đảng là niềm tin: Vì dân phục vụ

Huyền Mai
Huyền Mai
18/12/2019 08:20 GMT+7

Vì dân phục vụ: Đội cảnh sát quản lý hành chính - trật tự xã hội Công an Q.9 (TP.HCM) đến nay đã tiến hành cấp căn cước công dân tại nhà cho gần 2.000 trường hợp người cao tuổi và người bệnh.

Chỉ cần gọi điện...

Với mong muốn mọi công dân đều được hưởng những chính sách an sinh xã hội, suốt 3 năm qua, những cán bộ, đảng viên thuộc tổ căn cước công dân (CCCD), Đội cảnh sát quản lý hành chính - trật tự xã hội (QLHC-TTXH) Công an Q.9 đã đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, thậm chí tìm đến tận nhà để giúp dân hoàn thiện CCCD.
“Chúng tôi từng gặp nhiều trường hợp đang điều trị tại bệnh viện nhưng căn cước, chứng minh đã hết hạn. Điều này khiến họ không thể hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người bệnh. Vì vậy, tập thể cán bộ liền nảy ra ý tưởng sẽ đến tận giường bệnh, cấp CCCD cho các đối tượng khó khăn trong việc đi lại, di chuyển.
Người nhà chỉ cần gọi điện đến Công an Q.9, báo rằng có người thân đang nằm điều trị tại bệnh viện và đang gặp khó khăn trong việc điều trị bệnh. Sau khi tiếp nhận, đơn vị sẽ cử ngay cán bộ đến bệnh viện để làm lại CCCD kịp thời cho người bệnh”, trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội cảnh sát QLHC-TTXH, chia sẻ.
Là một trong những cán bộ rong ruổi khắp các bệnh viện, tìm đến nhà dân để làm CCCD, thiếu tá Nguyễn Thị Hoàn cho biết: “Nếu mình không giúp đỡ thì nhiều người hoàn cảnh khó khăn sẽ gặp khó hơn nữa, bởi có những trường hợp nhiều năm chỉ nằm trên giường bệnh. Tập thể đơn vị đã giúp đỡ gần 2.000 trường hợp rồi”.
Để làm được điều này, cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần trách nhiệm cao với công dân, có tâm huyết, tận tâm, tận lực khi làm việc. Bởi, muốn cấp CCCD tận nhà, phần lớn cán bộ phải làm ngoài giờ, tranh thủ những giờ rảnh, không phải tiếp dân hoặc thứ bảy, chủ nhật để cập nhật hồ sơ, dữ liệu có liên quan.

Gần dân hơn

Từ việc đến tận nhà, tận bệnh viện cấp CCCD cho bà con, khoảng cách giữa dân và cán bộ cũng ngày càng gần lại, gắn bó hơn. Tình cảm người dân đối với Công an Q.9, đặc biệt là cán bộ cấp CCCD nhờ đó cũng khắng khít hơn.
Theo trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, khi người dân lên quận để làm CCCD, vì mỗi ngày phải xử lý gần 100 hồ sơ, cán bộ sẽ không có thời gian tiếp xúc, gần gũi với người dân. Sau mỗi chuyến đi cấp CCCD tại nhà, thấy gia đình nào có hoàn cảnh đặc biệt, cán bộ sẽ báo về cho cơ quan. Từ đó, công an quận sẽ trích từ quỹ, tặng cho gia đình một món quà nho nhỏ, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để chăm lo đời sống hộ gia đình vào những dịp lễ, tết.
Gần dân hơn, sát dân hơn thông qua việc giúp dân, Công an Q.9 cũng được người dân cung cấp nhiều nguồn tin quý giá như tội phạm, tình hình an ninh trong khu vực. Từ đó, công an quận thuận lợi trong việc đề ra biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho đời sống của nhân dân.
“Già cả, bệnh hoạn không tự đến làm căn cước, được mấy cô chú giúp đỡ tôi thấy rất vui. Từ trước đến giờ mới có việc này đấy”, bà Nguyễn Thị Chi (72 tuổi, ngụ P.Phước Long B, Q.9) tâm sự khi được cán bộ đến tận giường bệnh giúp làm CCCD.
Từ năm 2016, khi Công an TP.HCM ban hành chủ trương cải cách trong thủ tục hành chính, chương trình cấp CCCD tại nhà được Công an Q.9 bắt đầu thực hiện.
Ban đầu, việc cấp CCCD tại nhà sẽ do công an quận phối hợp Công an TP.HCM. Tuy nhiên, từ tháng 5.2017, vì muốn chủ động hơn trong công tác, tập thể Đội cảnh sát QLHC-TTXH đã đề xuất với ban chỉ huy công an quận cấp kinh phí để đầu tư các trang thiết bị, máy móc.
Cũng nhờ vậy, chương trình cấp CCCD được mở rộng hơn cho nhiều đối tượng, số lượng người dân được cấp CCCD trong quận cũng ngày càng tăng.
Cụ thể, ngoài việc cấp CCCD cho người bệnh, người khuyết tật, Công an Q.9 đã tổ chức các đợt cấp CCCD cho học sinh, cựu cán bộ công an hưu trí, các cơ sở tôn giáo, gia đình thương binh liệt sĩ, học sinh, mẹ Việt Nam anh hùng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.