Đăng ký thường trú, ở nhà thuê tối thiểu 8 m2/người

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/09/2020 08:08 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định vẫn giao HĐND cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng tối thiểu phải đạt 8 m 2 sàn/người.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý luật Cư trú (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội chuyên trách ngày 4.9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với việc giao HĐND cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương và chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc quyền tự do cư trú chỉ có thể bị hạn chế bởi luật.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định vẫn giao HĐND cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng tối thiểu phải đạt 8 m2 sàn/người. Theo ông Tùng, quy định này không gây trở ngại vì đây là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, các địa phương thực tế đang quy định cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều ĐB không tán thành với quy định mới này. Theo ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), việc quy định mức tối thiểu sẽ dẫn đến tình trạng các HĐND quy định mức tối thiểu lớn hơn. Như vậy, mặc dù đạt tiêu chuẩn quốc gia (mức 8 m2 sàn/người), nhưng lại không đạt tiêu chuẩn địa phương. Từ đó, quy định của địa phương sẽ giới hạn quyền tự do cư trú của cư dân được quy định trong luật. Đó là chưa kể mỗi địa phương quy định khác nhau thì sẽ không công bằng. “Đề nghị phải quy định thống nhất trên toàn quốc, không giao cho HĐND cấp tỉnh tự đặt diện tích tối thiểu của địa phương mình”, ĐB Lâm nêu. Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thì nhìn nhận mức 8 m2 sàn/người là cần thiết, để bảo đảm điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Bộ trưởng Bộ Công an trình quốc hội việc bỏ sổ hộ khẩu vào tháng 5.2020

Một vấn đề gây tranh luận là đề xuất tiếp tục kéo dài việc sử dụng sổ hộ khẩu, tạm trú tới hết 31.12.2022 trong lúc chờ các cơ quan nhà nước liên quan “thích ứng” với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hay bỏ ngay từ khi luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2021. ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, tán thành phương án có thời gian chuyển tiếp tới 31.12.2022. Tương tự, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: “Ta bỏ hoàn toàn như vậy, tôi e rằng khó khăn cho người dân trong việc giải quyết các quan hệ dân sự, và với cơ quan nhà nước, công quyền. Các cơ quan này không nắm được mà đòi hỏi xác nhận thì sẽ phiền hà cho người dân. Nếu nóng vội có thể làm phiền hà cho người dân”, ông Hòa nhấn mạnh.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tiếp tục đề nghị giữ nguyên phương án bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú từ 1.7.2021 (sổ hộ khẩu đã cấp chỉ được dùng để giải quyết các giao dịch được xác lập trước ngày luật có hiệu lực). Đại diện Bộ Công an cũng xác định, Bộ này sẽ đưa vào vận hành chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ 1.7.2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.