Đằng đẵng nỗi đau oan sai

15/10/2017 08:46 GMT+7

Từ tháng 4.2017, ba cơ quan tố tụng H.Bình Chánh (TP.HCM) về tận quê nhà của các anh Trần Văn Uống, Khưu Khánh Sỹ và Ong Văn Sệt (xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) xin lỗi vì làm oan.

Cả ba cũng đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan, nhưng đến nay họ vẫn mòn mỏi chờ kết quả.
Bỗng dưng thành... cướp
Câu chuyện oan ức xảy ra đêm 5.12.2012. Sau chầu nhậu, Uống, Sỹ cùng vài người bạn làm thuê chung trong cơ sở sản xuất thức ăn gia súc ở xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh) đang hóng mát thì bị công an xã và một nhóm người bắt về. Mặc cho họ kêu oan và trình bày sự thật nhưng không ai tin.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Viện KSND H.Bình Chánh xác nhận đang cùng các đơn vị tính toán các mức tiền để giải quyết bồi thường theo yêu cầu của ông Trần Văn Uống. “Chúng tôi sẽ giải quyết nhanh chóng yêu cầu của ông Uống theo đúng quy định pháp luật”, vị này nói.

Sau đó, Viện KSND Bình Chánh ban hành cáo trạng quy kết Uống, Sỹ cùng hai người khác cầm cây đứng hai bên đường, âm mưu thấy ai sơ hở thì cướp tài sản. Thấy anh P.T.Q chở bạn gái chạy xe đến, từ cách xa gần 100 m, cả nhóm đuổi theo và ném cây để cướp xe. Anh Q. tránh được, chạy đến chốt dân phòng khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin “thấy một nhóm người đứng từ xa, nên đoán là cướp”. Rồi anh dẫn đoàn người đi bắt, sau đó viết tường trình về “vụ cướp”. Cáo trạng xác định còn hai người chạy thoát, bắt được sẽ xử lý sau.
Ngày ra tòa, Uống và Sỹ dù bị cách ly vẫn khai rất trùng khớp nhau: họ chỉ ngồi hóng mát sau chầu nhậu, không chặn đường hay ném cây vào ai, cũng không biết gì về vụ cướp: “Chúng tôi đang hóng mát thì một đám đông lao đến hô to “bắt nó, bắt nó”. Không biết chuyện gì, lại tưởng là cướp nên chúng tôi chạy né đi”. Vì chứng cứ kết tội chỉ là lời khai về một vụ cướp trong tưởng tượng của “bị hại” nên HĐXX TAND H.Bình Chánh nhiều lần mở phiên tòa rồi nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ngày 15.7.2014, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Văn Quý, Phó chánh án TAND H.Bình Chánh làm chủ tọa, tuyên án bằng đúng số ngày tạm giam (một năm bảy tháng chín ngày tù) về tội cướp tài sản và trả tự do cho Sỹ và Uống ngay tại tòa.
Câu chuyện một người cha
Ông Trần Văn Huỳnh, cha của Uống, bảo ngay từ đầu ông đã biết con mình bị oan, vì “ngày còn ở nhà đến trái cà hàng xóm nó còn không dám hái”. Vì thế, ông quyết tâm đi tìm công lý cho con. Những nẻo đường ở Bình Chánh từ đó mòn gót chân ông. Ngoài những lúc làm thuê kiếm sống, hễ có thời gian là ông đến công an, Viện KSND, rồi tòa án hỏi thăm tin tức của con, thăm nuôi con, tìm hiểu ngày con ra tòa, đi tìm chứng cứ minh oan…
Những tháng ngày đằng đẵng trôi qua, nhiều lúc ông thấy bế tắc. Nhưng ngày Uống được tha về nhà, khi con gục đầu vào vai khóc nấc “Con bị oan, cha ơi!” thì ông Huỳnh cũng không cầm được nước mắt. “Nhìn giọt nước mắt con rơi, nhìn vẻ tiều tụy của nó sau khi được thả, tôi biết mình phải cố gắng hơn nữa. Thằng Uống tính tình có vẻ nhút nhát hơn xưa, gặp người lạ là nó sợ, nó nghi ngại. Tôi phải sát cánh cùng con, làm thuê làm mướn, bất cứ việc gì, bất cứ nơi nào, cha đâu con đó”, ông Huỳnh nhớ lại.
Người đàn ông 52 tuổi khắc khổ nhớ lại những ngày bị nghi kỵ, khiến cuộc sống đau buồn hơn bao giờ hết trong suốt quãng đời mấy mươi năm qua của ông. “Nhiều người đi làm trên Sài Gòn về quê kể cho nhau nghe chuyện thằng Uống. Họ nói thằng Uống đi cướp bị bắt. Gia đình tôi ra đường không dám nhìn mặt ai. Uống về quê cũng không dám đi đâu, chỉ lủi thủi trong nhà. Anh nó đi làm cũng gặp rắc rối vì lý lịch em mình”.
Sau khi Uống kháng cáo, tháng 9.2014, TAND TP.HCM hủy án vì việc điều tra của cấp sơ thẩm theo định hướng kết tội, không khách quan. Suốt những tháng ngày sau đó, ông Huỳnh lên Sài Gòn tiếp tục đi làm thuê để vừa ở bên con, vừa có thể kiếm thêm tiền theo đuổi công lý. “Thằng Uống phải đi xin năm bảy nơi mới may ra được một nơi chịu nhận vì cái lý lịch đang là bị can. Nó sợ công an đến độ không dám ra đường, nên tôi phải chở nó đi vì không muốn xảy ra sự cố đáng tiếc nào”, ông Huỳnh kể.
Luật sư Trịnh Công Minh, Văn phòng luật sư Trung Nguyên, người đồng hành với ông Huỳnh trong hành trình minh oan cho Uống từ những ngày đầu, nhớ lại: “Đầu năm 2013, tôi đến làm việc ở thị xã Vĩnh Châu. Có người nhờ tôi giúp cho một người cha đang kêu oan cho con. Tôi đồng ý thì chừng hơn 30 phút sau, một người đàn ông với nguyên bộ quần áo ướt sũng, ống quần còn xắn đến đầu gối chạy đến. Ông nói nghe có luật sư Sài Gòn đồng ý giúp, mừng quá nên lội đồng về nhà lấy xe chạy một hơi đến thị xã để gặp. Người đàn ông đó là ông Huỳnh. Tôi cảm phục trước tấm lòng người cha, dù nghèo dù khổ, dù bộn bề khó khăn, vẫn luôn nắm bắt mọi cơ hội dù nhỏ nhất có thể để minh oan cho con”.
Đoạn kết chưa xuôi
Trước Tết Nguyên đán 2015 vài ngày, Ong Văn Sệt (23 tuổi), người đêm đó cùng hóng mát chung với Uống và Sỹ, bị bắt tạm giam. Sệt cũng phải ở tù hơn 1 năm, đến tháng 5.2016 thì được thay đổi biện pháp ngăn chặn. Nhưng phải đến tháng 12.2016, Viện KSND H.Bình Chánh mới mời Uống, Sỹ và Sệt đến nhận quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì hành vi không cấu thành tội phạm. Quyết định này đồng nghĩa với các cơ quan tố tụng H.Bình Chánh đã bắt tạm giam, khởi tố, truy tố và kết án oan họ.
Lúc bị bắt, Uống 23 tuổi, có mái ấm nhỏ với đứa con trai hai tuổi. Ra tù, Uống đau đớn nghe vợ nói lời chia tay. Sỹ vẫn làm thuê ở quê nhà để trang trải nợ nần những ngày bị giam giữ. Còn Sệt theo anh rể làm trang trí nội thất cho các công trình xây dựng. Với Sệt, bị tù oan đã là nỗi đau tột cùng, lại thêm nỗi đau cha chết mà không được nhìn mặt, cha chết vẫn mang theo nỗi ngậm ngùi vì trắng đen không rõ ràng trong việc người ta bắt con mình.

tin liên quan

Ủy ban Tư pháp Quốc hội lập đoàn khảo sát oan sai
Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật làm trưởng đoàn sẽ đi khảo sát về tình hình chấp hành pháp luật tại Tây Ninh, Long An và trại giam Thạnh Hòa.  
Trao đổi với chúng tôi ngày 12.10, ông Huỳnh cho biết Viện KSND Bình Chánh vẫn chưa giải quyết xong việc bồi thường. “Con tôi đòi bồi thường số tiền 407 triệu đồng, nhưng đến tháng 10 vừa qua Viện KSND Bình Chánh thương lượng cho rằng một số khoản quá cao. Số tiền đó có đáng gì với việc nó bị tù oan, với việc gia đình tan nát và cả nỗi nhục hàm oan mà gia đình tôi gánh chịu”, ông Huỳnh chua chát.
Một năm bảy tháng chín ngày con ở trong tù, người cha vẫn nhớ như in vì đó là những ngày đau thương và cả tuyệt vọng… “Thằng Uống giờ xin đi chạy xe tải mỗi tháng kiếm gần 10 triệu đồng”, ông Huỳnh nhìn theo bóng con khuất ngoài ngõ với ánh mắt tự hào pha chút khắc khoải: “Giá mà nó không bị oan. Mà thôi, cầu mong không còn ai phải chịu nỗi đau oan khiên…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.