Dân và chính quyền cùng thực hiện thì trật tự lòng lề đường mới bền vững

05/07/2017 12:37 GMT+7

'Đừng ảo tưởng lập lại trật tự lòng lề đường ngày một ngày hai là sẽ bền vững... Nó chỉ bền vững khi dân cùng thực hiện với chính quyền', Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Sáng 5.7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX thảo luận về tình hình nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, ngân sách, quốc phòng an ninh TP 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017.
Vấn đề được thảo luận sôi động tại hội trường là lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè làm sao bền vững, có tính hiệu quả.
Đừng ảo tưởng ra quân ngày một, ngày hai là bền vững
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh việc ra quân lấy lại vỉa hè không phải là mô hình hay vì không thể có lực lượng đi dọn dẹp hoài như vậy được.
“Đừng ảo tưởng lập lại trật tự lòng lề đường ngày một ngày hai là sẽ bền vững. Không nên ra đường lập lại trật tự lòng lề đường vì như vậy là phản cảm, cơ quan chính quyền làm được mấy lần, làm được bao lâu? Các cấp triển khai thực hiện thế nào, giữ bền vững ra sao, phải được tổ chức trong hệ thống chính trị, kế hoạch đó phải đưa ra dân để dân cùng bàn bạc, thực hiện, dân và Nhà nước cùng thực hiện”, bà Tâm nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND khẳng định lập lại trật tự vỉa hè chỉ bền vững khi dân và chính quyền cùng thực hiện Ảnh: Khả Hòa
Bà Tâm cho rằng lập lại trật tự lòng lề đường sẽ bền vững khi dân cùng thực hiện với chính quyền. Riêng đối với vấn đề sinh kế đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, phải sắp xếp cho người dân.
Đẩy đuổi không khó nhưng đẩy đuổi để làm gì?
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cũng khẳng định việc lập lại trật tự đô thị không làm theo kiểu "bắt cóc bỏ dĩa", mà được tiến hành kiên trì. TP sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu quản lý địa bàn buông lỏng, để xảy ra tái chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Về việc bùng phát chợ tạm tại lòng lề đường tại các KCX, KCN, ông Khoa nhìn nhận đây là thực tế phát sinh từ nhu cầu thực tế. Theo ông Khoa, cần có cách nhìn thấu đáo để giải quyết căn cơ, hợp lý. Nếu dẹp ngay thì dễ nhưng một bộ phận lớn công nhân sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không dẹp thì gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường. Do đó, trước mắt một số quận, huyện đang cải tạo lại chợ truyền thống để bố trí lại bài bản hơn. TP nhận thấy đây là cách làm phù hợp và căn cơ nên rất ủng hộ.

Ông Lê Văn Khoa khẳng định việc lập lại trật tự đô thị không làm theo kiểu "bắt cóc bỏ dĩa", mà được tiến hành kiên trì Ảnh: KHẢ HÒA
"Chuyện hàng rong vỉa hè cũng thế. Việc đẩy đuổi thì không khó. Nhưng đẩy đuổi rồi để làm gì? Cuộc sống của những người bán hàng rong sẽ ra sao? Đây là điều chúng ta phải suy ngẫm", ông Khoa nói.
Ông Khoa khẳng định chủ trương của TP là tạo sinh kế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, chứ không đẩy đuổi người bán hàng rong.
Liên quan đến việc "cho thuê vỉa hè" sau khi tái lập trật tự đô thị, ông Khoa cho rằng cần có sự đánh giá khách quan về cách làm của TP. Theo ông Khoa, nhu cầu thực tế về chỗ đậu xe của người dân trên địa bàn rất lớn, trong khi các bãi đậu xe chưa được đầu tư đầy đủ.
"Vấn đề này TP có sự tính toán kỹ, hài hòa nhiều mặt, chứ không phải cho sử dụng tạm chỉ vì mục đích thu tiền. Số tiền thu cũng sẽ được chăm lo lại cho việc lập lại mỹ quan đô thị, gìn giữ an ninh trật tự... TP làm với tinh thần công khai, minh bạch, nghiêm cấm và xử lý mạnh hành vi trục lợi gây bức xúc dư luận", ông Khoa nói.

tin liên quan

Cho thuê vỉa hè?
Mọi người ngỡ ngàng khi biết Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã xây dựng đề án cho thuê vỉa hè để kinh doanh với mức giá cao nhất là 100.000 đồng/m2.

Phố hàng rong chỉ tồn tại trên giấy

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm thắc mắc về việc xây dựng phố hàng rong: "TP khẳng định lập lại trật tử vỉa hè song song với việc lo cuộc sống cho người dân nhưng đến nay ít quận lập khu phố hàng rong, chỉ tồn tại trên giấy, đặc biệt là Q.1".

“Tại sao chưa làm được, tắc ở đâu, khi nào mới xây dựng được phố hàng rong này. Vỉa hè không chỉ là đường cho người đi bộ mà còn là bản sắc phải bố trí sao cho phù hợp, điều này phải đòi hỏi có thời gian, phải tính toán làm sao để người dân cảm thấy có lợi khi cùng TP lập lại trật tự lòng lề đường”, bà Tố Trâm nói thêm.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng tình trạng tái chiếm vỉa hè do cơ quan chức năng làm chưa quyết liệt, chưa có cơ chế xử lý nghiêm, nhận thức bộ phận người dân còn hạn chế, thường tái phạm. Ông Cường kiến nghị cần tăng cường kiểm tra giám sát công tác trật tự quản lý vỉa hè.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.