Dân bức xúc về đền bù trước Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

07/09/2011 01:56 GMT+7

Sáng 6.9, gần 2.000 người dân xã Hòa Liên (H.Hòa Vang, Đà Nẵng) tập trung để trình bày những bất cập, vướng mắc và bức xúc của họ với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Đền bù mỗi nơi mỗi giá

Theo quy hoạch, xã Hòa Liên có 2.500 - 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng do nằm trong vùng dự án, đặc biệt là dự án Golden Hills do Công ty CP Trung Nam làm chủ đầu tư. Dù dự án đang triển khai khá rầm rộ, song cũng bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp trong đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư, ô nhiễm môi trường và nghiêm trọng hơn là tình hình xô xát giữa người dân với chủ dự án dẫn đến việc côn đồ chém người dân ngăn cản xe chở đất gây ô nhiễm.

Ông Ngô Văn Tước, thôn Quan Nam 5, nói người dân chưa nhận tiền đền bù, chưa bàn giao mặt bằng, nhưng chủ dự án đã đưa xe chở đất đến san lấp ngay cạnh nhà. Bụi bặm, tiếng ồn, đường sá sạt lở, ô nhiễm môi trường trầm trọng... dân không chịu nổi. Chưa hết, cũng theo ông Tước: "Nhiều thôn chưa có quy hoạch, nhưng Công ty CP Trung Nam cũng đổ đất cao, bao vây các khu dân cư, lấp tất cả các lạch, cống thoát. Mùa nắng còn chịu được, chứ mai mốt vào mùa mưa bão, các khu dân cư chắc chắn sẽ biến thành hồ chứa".

 
Ông Nguyễn Văn Diêm phát biểu cho rằng cần dân chủ, công khai chính sách đền bù, giải tỏa - Ảnh: H.T

Ông Phạm Đảm, cũng ở thôn Quan Nam 5, chua chát nói về vấn nạn ô nhiễm do san lấp gây ra: "Bây giờ dân chúng tôi phải ăn bụi, nằm bụi, ngủ bụi. Đến khi mưa xuống lại chịu cảnh ăn nước, uống nước, nằm nước, chứ tránh sao khỏi".

Quy định hỗ trợ học nghề đối với các hộ bị thu hồi đất ở Đà Nẵng

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn. Theo đó, hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề) tối đa 3 triệu đồng/người/khóa; hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày thực học/người... UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí trong 3 năm cho con các hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất (50% diện tích đất sản xuất trở lên) đang học tập tại trường THPT, THCS, các TT giáo dục thường xuyên, TT kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp trong và ngoài công lập; hỗ trợ 50% học phí trong 3 năm cho các trường hợp bị thu hồi đất dưới 50% diện tích đất sản xuất. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng quyết định hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm với mức 500.000 đồng/người/tháng (thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng cho một khóa đào tạo)...

Ông Ngô Quang Trường đặt vấn đề: nguyên nhân chính là đền bù mỗi nơi mỗi giá, không thống nhất. "Năm 2011 mới thu hồi đất, đền bù mà áp cách tính của năm 2009 là không hợp lý. Thử tính giá vật liệu đã chênh lệch gấp 3 lần. Nếu dân nhận tiền, đập nhà đi, ra khu tái định cư chỉ đủ tiền làm được cái móng nhà. Nếu dân đi như vậy thì dân cũng khổ vì nợ nần, mà mai mốt đến lượt nhà nước cũng khổ theo vì phải lo chu cấp, cứu đói".

Ông Nguyễn Văn Diêm, ở thôn Tân Ninh, bất bình: "Tui không hiểu mấy anh đền bù kiểu chi mà giống y như đi chụp giật. Bữa ni làm vài hộ, giao tiền đền bù, bữa khác lại thêm vài hộ, giấm giấm dúi dúi. Cần dân chủ, công khai chính sách đền bù cho tất cả người dân đều biết để họ kiểm tra, giám sát".  

Chưa đền bù, cấm san lấp

Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng chẳng một người lãnh đạo nào lại muốn người dân của mình nghèo đi, đói kém hơn, nhất là khi phải di dời, giải tỏa, bàn giao mặt bằng. Thông qua các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới, chỉnh trang đô thị, lãnh đạo thành phố mong muốn đời sống người dân được nâng cao. Ông Thanh giãi bày: "Toàn bộ số tiền chuyển quyền sử dụng đất, mà nói nôm na là bán đất cho chủ đầu tư dự án Công ty CP Trung Nam không điều chuyển đi đâu cả, mà thành phố phải bỏ thêm vào để xây dựng đô thị ở Hòa Liên không khác gì những khu dân cư dưới phố".

Nói về chuyện đền bù đất nông nghiệp nhiều giá, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định chủ trương không sai vì "có tính yếu tố trượt giá, cho nên người nhận đền bù trước thấy người nhận sau nhiều hơn một tí, cứ tưởng được ưu ái hơn, nhưng thực ra người nhận sau có khi lại không bằng người nhận trước".

Những vấn đề người dân bất bình, bức xúc, theo ông Nguyễn Bá Thanh, lỗi chính thuộc về các đơn vị làm công tác đền bù, bố trí tái định cư không công khai, minh bạch, cụ thể, rõ ràng chính sách đền bù. Đơn cử như chủ trương của thành phố về hỗ trợ tiền móng nhà, công bồi trúc, hỗ trợ khó khăn khi xây dựng nhà mới... cán bộ thì rành rẽ, còn người dân thì chẳng biết gì. Ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu: "Phải photo văn bản các chính sách hỗ trợ để phát cho từng hộ dân ngay trong tuần, để người dân nắm bắt, thông suốt".

Liên quan đến ô nhiễm môi trường, đường sá hư hỏng, luồng lạch, kênh mương bị san lấp, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư dự án phải khắc phục ngay trong tháng 9. Đối với trường hợp phản ảnh của dân về các khu đất chưa đền bù đã vội san lấp, ông Thanh khẳng định đây là việc làm sai nguyên tắc, phải nghiêm cấm. Nếu tiếp tục tái phạm thì xử phạt thật nặng để răn đe.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.