'Trường hợp đặc biệt Bộ Chính trị có trách nhiệm đào tạo lãnh đạo kế cận'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/02/2021 19:22 GMT+7

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng các trường hợp "đặc biệt" của Bộ Chính trị khóa XIII vừa được bầu có 2 trách nhiệm rất lớn, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo kế cận đủ tầm.

Chiều 3.2, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật”.

Cơ cấu Bộ Chính trị như thế là "đội hình" rất là đẹp

Trả lời câu hỏi của các độc giả tại buổi tọa đàm liên quan tới việc chuyển tiếp giữa các thế hệ trong công tác nhân sự đại hội Đảng, PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho biết ông theo dõi từ Đại hội I tới Đại hội VI của Đảng đều bầu ủy viên dự khuyết T.Ư. Các ủy viên dự khuyết sau này trở thành ủy viên chính thức, có cống hiến cho sự nghiệp của Đảng.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc tại buổi tọa đàm chiều nay, 3.2

Ảnh dangcongsan.vn

Từ Đại hội VII đến Đại hội IX, không có ủy viên dự khuyết. “Sau này, các lãnh đạo cao nhất suy nghĩ nên từ Đại hội X đến nay lại có ủy viên dự khuyết”, ông Phúc nói và cho biết, số ủy viên dự khuyết như “đội quân dự bị” cho nhân sự chính thức. “Đó cũng là một cách rèn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng ta”, ông Phúc lưu ý.
Ông Phúc cũng thông tin, từ Đại hội II đến Đại hội V của Đảng còn có ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Tuy nhiên, từ Đại hội VII trở lại đây thì không còn chức vụ này. “Có lẽ cơ quan lãnh đạo cân nhắc có nên có ủy viên Bộ Chính trị dự khuyết hay không cũng là một cách để bố trí cán bộ”, ông Phúc phân tích.
Đề cập tới nhân sự khóa XIII vừa được bầu, ông Phúc cho rằng, trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị thì có 8 ủy viên Bộ Chính trị tái cử, trong đó có 2 trường hợp đặc biệt (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc); 10 người mới tham gia Bộ Chính trị.
"Cơ cấu như thế là đội hình rất đẹp”, ông Phúc nói và phân tích, những người tái cử đều dày dặn kinh nghiệm, trí tuệ, kiểu mẫu nêu tấm gương sáng trong Đảng, trong nhân dân. Cạnh đó, 10 người mới tham gia cũng là những gương mặt rất ấn tượng.
“Từ đó, có thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII nói chung và trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói riêng”, ông Phúc nhấn mạnh.

2 trách nhiệm rất lớn của trường hợp "đặc biệt"

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng lưu ý “hiện tượng đặc biệt” tại Đại hội XIII là có 7 ủy viên Ban Bí thư khóa XII đều tham gia Bộ Chính trị khóa XIII. “Điều đó cho thấy có một bước chuyển cán bộ lãnh đạo, có tính liên tục, kế thừa rất rõ. Đấy là tính khoa học trong công tác cán bộ”, ông Phúc đánh giá.
Đối với các trường hợp "đặc biệt" trong Bộ Chính trị khóa XIII, ông Phúc cho rằng, có 2 trách nhiệm rất lớn. “Một là hoàn thành trọng trách của mình trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hai là trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng những nhà lãnh đạo kế cận đủ tầm, kinh nghiệm, đủ bản lĩnh, trí tuệ, uy tín”, ông Phúc nhấn mạnh và nói thêm, uy tín là vấn đề rất quan trọng.
“Nhiều khi có tầm, có trí tuệ, có nhiều tố chất nhưng không đủ uy tín vì uy tín đòi hỏi rất cao, không chỉ trong Đảng mà còn trong dân và quốc tế”, ông Phúc phân tích và kỳ vọng, các lãnh đạo chủ chốt trong nhiệm kỳ XIII sẽ hoàn thành tốt trọng trách mà Đại hội tín nhiệm, giao phó.

Tin khóa XIII không có nhiều cán bộ sai phạm như khóa XII

Liên quan tới vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, cán bộ vẫn là điều kiện quan trọng để giải quyết vấn đề này.

Các đại biểu dự buổi tọa đàm

Ảnh dangcongsan.vn

“Cán bộ giỏi thì thành công, chứ nếu có đường lối đúng rồi nhưng mà đội ngũ cán bộ không đáp ứng được thì cũng không thành công. Đại hội này chúng ta cũng đã chú ý công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự rất công phu, bài bản”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho biết, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra, xây dựng Đảng về đạo đức được nhấn mạnh hơn, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Nhấn mạnh muốn cầm quyền tốt phải có đội ngũ cán bộ giỏi, ông Phúc cho rằng, một điểm đáng lưu ý của Đại hội XIII vừa rồi là khẳng định cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
“Phát hiện được một cán bộ giỏi và tốt là quý lắm, phải chăm chút chứ không phải chỉ chú ý chỗ xem xét sai phạm rồi thi hành kỷ luật. Điều này cần thiết nhưng phải làm sao cho cán bộ không sai phạm. Tôi tin là sau nhiệm kỳ khóa XIII này không có nhiều cán bộ sai phạm như khóa XII. Phải bảo vệ cán bộ để người ta phát triển, tiến bộ lên. Đấy mới là cái đích”, ông Phúc nói và cho rằng, việc bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn vì lợi ích chung là vấn đề lớn mà Đảng cần quan tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.