Cuối 2017, Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại Đà Nẵng đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của thế giới khi toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… đều hội tụ tại Đà Nẵng.

Đó là lần thứ 2 trong 10 năm, Tuần lễ Cấp cao APEC có được sự tham dự đông đủ của nhiều lãnh đạo cấp cao như vậy.

Trong dịp này đã diễn ra các chuyến thăm song phương mang tính lịch sử. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngay sau Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên 1 Tổng thống Mỹ (ông Donald Trump) thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Đầu 2019, Việt Nam một lần nữa trở thành khi đảm nhiệm vai trò chủ nhà của “Thượng đỉnh Mỹ - Triều” lần thứ 2. Cả Mỹ và Triều Tiên đều chọn Việt Nam là cầu nối cho hoà bình, hợp tác với những ẩn ý riêng, nhưng có điểm chung, bởi Việt Nam là một ví dụ tốt, là một điểm đến tin cậy, an toàn.

Với sự có mặt đưa tin của trên 3000 phóng viên đến từ trên 200 hãng thông tấn, báo chí quốc tế từ nhiều châu lục, trong một thời gian dài, hình ảnh Việt Nam an toàn, năng động, mến khách, với nhiều giá trị văn hóa, ẩm thực độc đáo đã phủ sóng truyền thông toàn cầu.

Năm 2020 để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.

Trong bối cảnh cả thế giới căng mình chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đảm nhận vai trò kép Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA 2020. Chủ đề ASEAN 2020 được Việt Nam lựa chọn là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, rất tình cờ, như một sự “tiên tri” về thách thức khu vực và thế giới đang phải đối mặt - sự phân cực với xu hướng bảo hộ và đối đầu của các cường quốc; và những thách thức toàn cầu không có tiền lệ nảy sinh (đại dịch Covid-19).

Vượt lên tất cả những khó khăn “chưa từng có”, Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19; thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển, thượng tôn pháp luật ở khu vực. ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm ở khu vực, được các nước coi trọng.

Tại Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã để lại những dấu ấn riêng cụ thể, như lần đầu tiên thúc đẩy HĐBA thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương LHQ; tổ chức đối thoại ASEAN - LHQ, qua HĐBA nâng tầm ASEAN và qua ASEAN cụ thể hoá nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu.

Việt Nam cũng đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, lấy ngày 27.12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, với số nước đồng bảo trợ kỷ lục - 112 nước.

Tại đây đã thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, xung đột...

Báo Thanh Niên
12.01.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.