Kỳ vọng nhiệm kỳ có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/01/2021 04:51 GMT+7

Nhiều ý kiến, tham luận của đại biểu tại Đại hội XIII mong muốn sớm có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, như Văn kiện Đại hội đã nêu.

Sớm có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Là một trong những ý kiến góp ý về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tại Đại hội XIII, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị, bên cạnh việc đề cao vị trí, vai trò, uy tín của Ủy ban Kiểm tra các cấp, mở rộng quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra, đề nghị T.Ư cần có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong việc khắc phục hậu quả những sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua. Bí thư Đà Nẵng cũng mong mỏi, T.Ư sớm triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được thuận lợi.

Chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân thì cũng phải thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cho các cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của nhân dân

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Cũng từ góc độ cơ quan kiểm tra Đảng, ông Mai Trực, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ, đảng viên “không thể”, “không dám” và “không cần” tham nhũng, cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển.
“Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp”, ông Mai Trực kiến nghị.

Loại bỏ tâm lý cầm chừng, sợ sai sót

Ông Châu Ngọc Tuấn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, thì cho hay trong quá trình thảo luận tại đại hội, một số đại biểu đã nêu tình trạng một số cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai sót khi một loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, theo tinh thần mà văn kiện trình tại Đại hội XIII đã nêu là sẽ có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, thì cán bộ chỉ làm đúng chức trách, nhiệm vụ thì không có gì phải sợ.
“Trong quá trình làm, có điều gì vướng mắc cần phải xin chủ trương. Chúng ta tổ chức thực hiện, có những ý tưởng sáng tạo muốn thực hiện trong thực tiễn thì thực tế T.Ư cũng cho phép chúng ta có thể làm thí điểm”, ông Tuấn khẳng định, và bày tỏ rất tâm đắc với cơ chế mà văn kiện đề cập.
Cũng từ góc độ của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng trong quá trình đổi mới không thể tránh khỏi những vấn đề bất cập do cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Từ đó, ông Duy cho rằng, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã tính tới các yếu tố này khi khẳng định cần có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
“Chúng tôi là những người lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của T.Ư Đảng, mà tới đây sẽ được quyết nghị trong Đại hội XIII, để những người lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương, cũng như của đất nước”, ông Duy nói.
Kỳ vọng nhiệm kỳ có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

2 đại biểu tỉnh Hà Giang tại đại hội

Ảnh: TTXVN

Cán bộ dám đột phá, đất nước mới phát triển

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm được nêu trong văn kiện trình đại hội là vấn đề rất quan trọng; đồng thời bày tỏ mong muốn T.Ư sẽ sớm ban hành quy chế này để thực sự khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì sự nghiệp chung.

Hôm nay, Đại hội XIII thông qua danh sách bầu cử T.Ư khóa XIII

Theo thông cáo báo chí của Đại hội XIII, trong ngày 29.1, ngày làm việc thứ 4 của đại hội, đại hội làm việc cả ngày tại đoàn về công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.
Cụ thể, trong buổi sáng, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu tài liệu và thảo luận về nhân sự được dự kiến giới thiệu vào T.Ư khóa XIII; ghi phiếu ứng cử, đề cử (bổ sung) vào T.Ư khóa XIII. Sau đó, Tiểu ban Nhân sự nhận báo cáo của các đoàn về việc ứng cử, đề cử. Đoàn Chủ tịch nghe các trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào T.Ư khóa XIII.
Tiếp đó, trong buổi chiều, Đoàn Chủ tịch thông báo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) T.Ư khóa XIII đến các đoàn. Các đại biểu ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử T.Ư khóa XIII. Đoàn Chủ tịch họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử. Cũng trong buổi chiều, Đoàn Thư ký xin ý kiến Đoàn Chủ tịch về vấn đề đại hội cần biểu quyết trong các văn kiện Đại hội XIII.
Theo dự kiến, hôm nay, 30.1, đại hội sẽ bỏ phiếu về việc cho rút hay không cho rút tên khỏi danh sách ứng cử, đề cử bổ sung T.Ư khóa XIII và thông qua danh sách bầu cử T.Ư khóa XIII.
Theo Chủ tịch VCCI, trong thời gian qua, khi nghiên cứu các mô hình phát triển, chúng ta thấy rằng, chỉ có trên cơ sở đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên, dũng cảm đổi mới sáng tạo, không theo tư duy và cách thức lối mòn để tìm ra phương thức mới để phát triển, chúng ta mới có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
“Trong trường hợp này, cần phải có cơ chế bảo vệ cán bộ. Chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân thì cũng phải thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cho các cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của nhân dân”, ông Lộc nêu.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, cho rằng muốn cho đất nước đổi mới theo hướng tích cực rất cần có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đổi mới sáng tạo. Trong quá trình hội nhập, nếu không có những đổi mới theo hướng tích cực thì khó có thể thành công được. Từ đó, ông Tuấn khẳng định, việc Văn kiện Đại hội XIII xác định cần cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là điều rất tốt, vì điều này giúp cán bộ vững tâm, vững lòng hơn khi có những đổi mới sáng tạo vì sự phát triển, vì lợi ích sự nghiệp chung của đất nước. “Tôi cũng kỳ vọng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sẽ có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.