Ngày 9.6.2016, chưa đầy 5 tháng sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thông báo yêu cầu Ủy ban Kiểm tra T.Ư kiểm tra, làm rõ vụ việc Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh mà báo chí phản ánh. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng - người giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư khi đó - đánh giá, vụ việc Trịnh Xuân Thanh có ý nghĩa “mở đầu” cho sự đổi mới công tác kiểm tra Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Đây cũng được coi là “phát súng đầu tiên” cho cuộc chiến chống tham nhũng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội XII, quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” luôn được những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước duy trì, thúc đẩy với sự kiên quyết: “Ai bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm!”. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng trở thành một trong những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua với những kết quả quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn”. Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố trong từng năm của nhiệm kỳ 2016 - 2021 cao vượt trội so với nhiệm kỳ trước. Năm 2019 Việt Nam xếp hạng 96/180 quốc gia trong bảng xếp hạng của TI về Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI).

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế”. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước".

Cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, trong 5 năm qua, cả hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực với quyết tâm rất cao trong việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Từ năm 2017, Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã ban hành 2 Nghị quyết 18 và 19 tại Hội nghị T.Ư lần thứ 6 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Triển khai 2 nghị quyết nêu trên, trong 5 năm qua, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng chính quyền điện tử... nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quan trọng hơn, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Báo cáo Công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII đánh giá: “Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng, rõ nét, có nhiều đổi mới, triển khai thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu đã khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm tồn tại trong thời gian dài”.

Có thể nói, những kết quả trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng của nhiệm kỳ XII đã tạo ra cơ sở nền tảng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Báo Thanh Niên
07.01.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.