Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai: Hơn 1,05 triệu tỉ đầu tư lấy từ đâu?

29/03/2021 11:11 GMT+7

Từ khi giao thẩm quyền cho địa phương, có thêm 1.200 so với 4.000 dự án của năm 2021. Danh mục đề xuất lên tới 3,8 triệu tỉ đồng, trong khi chỉ có thể thu xếp 2,75 triệu tỉ, vậy 1,05 triệu tỉ đồng lấy ở đâu?

Sáng 29.3, phát biểu tại phiên thảo luận ở nghị trường Quốc hội về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) khi đề cập đến việc phân bổ ngân sách cho địa phương đã cho rằng, chất lượng xây dựng pháp luật yếu kém có thể là gánh nặng quốc gia.
Theo bà Mai, Quốc hội đã có nhiều bộ luật nhằm nâng cao tính chủ động của địa phương nhưng từ khi đi vào hoạt động đã có bất cập. Luật đầu tư công sửa đổi năm 2019 giao thẩm quyền cho địa phương trong quyết định các dự án chi tiết đưa vào danh mục, nhưng từ khi đưa vào thực hiện, nhiều địa phương đã đưa vào rất nhiều danh mục không đủ tiêu chí, hàng loạt dự án được bổ sung, trong khi nguồn lực ngân sách có hạn, và còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai.
Bà Mai dẫn chứng: địa phương đưa thêm 1.200 dự án mới trên tổng số 4.000 dự án, chỉ tính riêng năm 2021, tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch phát triển và các vấn đề chính trị khác.
Thực tế, nguồn vốn có thể thu xếp là 2,75 triệu tỉ đồng nhưng ghi vốn đã lên đến 3,8 triệu tỉ đồng, nên bà Mai băn khoăn hơn 1,05 triệu tỉ đồng không biết lấy đâu? "Với tình trạng này, ngân sách quốc gia không thể nào gánh nổi", đại biểu lo ngại.
Từ phân tích trên, bà Mai đề nghị báo cáo đánh giá cần nhìn vào kết quả và đặt câu hỏi 2 triệu tỉ đồng đầu tư vừa qua đã làm được gì? Đồng thời, đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương báo cáo việc này theo quy định của việc quyết toán ngân sách. Bao nhiêu dự án làm được, bao nhiêu dự án dang dở? 
Bà Mai đề nghị, “nếu có thể, cần sửa đổi luật để Bộ KH-ĐT tiếp tục phân bổ chi tiết, vì thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã làm rất tốt việc kiềm chế những dự án đầu tư dàn trải, manh mún”. Theo đó, Chính phủ chỉ đầu tư các dự án trung hạn từ ngân sách nhà nước trên cơ sở đủ tiêu chí, vì đây là tiền thuế của người dân. Người dân cần biết việc phân bố đúng hay không.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội sáng 29.3

Đầu tư của khối tư nhân chỉ đạt 45,6%, rất thấp so với nhiều nước

Ngoài ra, bên cạnh việc đánh giá cao những gì Chính phủ nhiệm kỳ qua làm được, đặc biệt với chủ trương Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, Chính phủ có Nghị quyết 26 về kế hoạch trung hạn, huy động tiềm lực của mọi thành phần kinh tế, nhưng theo bà Mai, vấn đề huy động chưa như mong muốn.
“Có lúc cao nhất, đầu tư của khối tư nhân chỉ đạt 45,6%, con số này rất thấp so với nhiều nước”, bà Mai so sánh.
Dẫn thực tế trong khi có các chính sách về hợp tác công tư (PPP) nhưng sự hợp tác này vẫn có rất nhiều vấn đề, như dự án cao tốc Bắc - Nam, một số dự án đường ven biển và một số dự án BOT ở nhiều địa phương đã chuyển từ tư nhân sang nhà nước, bà Mai cho rằng Chính phủ cần đưa ra chính sách để chỉ đầu tư cho các dự án từ ngân sách nhà nước mà tư nhân không thể làm được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.