Đại biểu Quốc hội tranh luận về áp dụng lẽ công bằng trong 'án' dân sự

26/10/2015 19:33 GMT+7

(TNO) "Có những quốc gia như Malaysia, anh được lấy 4 vợ nhưng phải đối xử công bằng...", luật sư Trương Trọng Nghĩa ủng hộ việc áp dụng lẽ công bằng.

(TNO) "Có những quốc gia như Malaysia, anh được lấy 4 vợ nhưng phải đối xử công bằng...", luật sư Trương Trọng Nghĩa ủng hộ việc áp dụng lẽ công bằng.

ho-trong-nguĐại biểu Hồ Trọng Ngũ - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo nghị trình, kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), nhưng đến nay, nhiều nội dung vẫn còn có ý kiến trái chiều. 
Thảo luận về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự chiều nay 26.10, đại biểu (ĐB) Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) đề nghị Quốc hội phải hết sức cân nhắc xung quanh việc tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.
“Chúng ta làm luật là nhằm tránh sự tùy tiện, chỗ nào có tùy tiện thì có nguy cơ lạm quyền và lợi ích công dân bị xâm hại. Chúng ta có niềm tin với thẩm phán nhưng khi đứng trước các vụ việc mà lợi ích các bên lên tới hàng trăm tỉ đồng, trong khi luật sư tham gia được hưởng cả tỉ đồng, thẩm phán chỉ được thù lao vài triệu, thì bản thân thẩm phán cũng phải đứng trước thử thách về lẽ công bằng”, ông Ngũ cảnh báo.
Khác với ý kiến ông Hồ Trọng Ngũ và một số ĐB khác, luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) cho rằng, lẽ công bằng có nhiều cấp độ, ở mỗi nơi một khác và thẩm phán phải vận dụng làm sao để đương sự cảm thấy thỏa đáng.
"Quan hệ dân sự có yếu tố tâm lý rất mạnh và có thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như tình cảm, ví dụ tại Malaysia, người đàn ông được phép lấy 4 vợ nhưng phải đối xử với những người vợ như nhau, đó là sự công bằng. Còn ở Việt Nam lại không chấp nhận như vậy”, ông Nghĩa đơn cử, và cho rằng, khi áp dụng lẽ công bằng còn bị ràng buộc bởi quy định khác như không làm trái Hiến pháp, trái chức năng nhiệm vụ tòa án, phiên tòa có cả sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, nên thẩm phán không thể ra một phán quyết thiếu cơ sở.
Chưa đồng tình, ĐB Hồ Trọng Ngũ phản biện: “Không phải muốn thế nào cũng được. Không thể muốn thế nào thì pháp luật đều đi theo cả. Chúng ta không thể dùng quan hệ pháp luật để yêu cầu vợ tôi phải ngủ với tôi một tuần 4 ngày hoặc 5 ngày được”.
Không đồng tình với ĐB Ngũ, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết khi nói tới tập quán là nói tới những cái không có phổ quát. “Lẽ công bằng có trước pháp luật, và Nhà nước chỉ làm công việc đúc kết luật hóa của tự nhiên, xã hội và tư duy. Quá trình đúc kết sai thì cuộc sống phản ứng lại, ra luật trái với tự nhiên thì bị phản ứng thôi. Lẽ công bằng vẫn tồn tại trong cuộc sống, người dân vẫn tìm và tổ chức cuộc sống, hòa giải với nhau", ĐB Nghĩa phát biểu.
"Tôi tán thành quy định như dự thảo đưa ra về việc áp dụng lẽ công bằng”, ông Nghĩa nói.
Trước vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định đa số các ý kiến ĐB đồng tình với việc áp dụng lẽ công bằng trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự. Việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử vụ việc dân sự chỉ được thực hiện khi pháp luật không có quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.