Đại biểu Quốc hội: ‘Nóng vội xóa sổ hộ khẩu sẽ gây phiền hà cho người dân’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/09/2020 16:56 GMT+7

Vấn đề có kéo dài sự tồn tại của sổ hộ khẩu , tạm trú trong lúc chờ các cơ quan nhà nước khác “thích ứng” với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay bỏ ngay từ 1.7.2021 tiếp tục gây tranh cãi.

Làm sao để người dân thuận lợi nhất

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau về thời điểm xóa bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú.
Một loại ý kiến đề nghị cho phép người dân tiếp tục được sử dụng sổ hộ khẩu, tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này, khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú. Thời gian chuyển tiếp là đến hết ngày 31.12.2022.
Loại ý kiến thứ 2 thì nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày luật có hiệu lực (1.7.2021) và không cần có quy định chuyển tiếp.

Người dân từng ngày trông chờ bỏ sổ hộ khẩu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thiết kế 2 phương án theo 2 loại ý kiến nêu trên để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, ông Tùng cho biết.
Nêu ý sau đó, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, tán thành phương án có thời gian chuyển tiếp tới 31.12.2022, vì việc này thuận tiện cho người dân, đồng thời không ảnh hưởng tới phương thức quản lý mới.
Bà Dung dẫn ví dụ tại TP.HCM, năm học vừa qua tăng thêm 55.000 học sinh, tuyển dụng gần 7.000 giáo viên. “Nếu đồng thời vào 1.7.2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú chưa hoàn thiện thì kết nối thế nào khi thời gian không còn bao nhiêu nữa”, bà Dung nói và lưu ý, chỉ riêng TP.HCM cần giấy xác nhận về hộ khẩu thì số lượng đã rất lớn.
Bên cạnh đó, theo bà Dung, ngay cả khi có cơ sở dữ liệu rồi thì vấn đề kết nối trong ngành công an có thể thực hiện được, nhưng các bộ, ngành khác liên quan có kết nối và thực hiện được không thì cũng là vấn đề. “Ta phải tính đến để làm sao người dân thực hiện được thuận lợi nhất”, bà Dung nói.
“Tôi nói với tất cả mong mỏi của mình để làm sao dự thảo luật khả thi nhất, đặc biệt là làm sao tạo điều kiện nhất cho người dân. Nếu không lúc đó không biết trở tay thế nào”, bà Dung nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Công an trình quốc hội việc bỏ sổ hộ khẩu vào tháng 5.2020

Bỏ sổ hộ khẩu không phải ngày một, ngày hai

Cùng quan điểm với đại biểu Dung, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), nêu vấn đề, hiện có 27 loại giấy tờ, thủ tục hành chính có liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì liệu từ nay đến 1.7.2021 bỏ hoàn toàn thì các cơ quan có đảm bảo được không?

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc giải trình tại hội nghị

Ảnh Gia Hân

“Ngành công an có thể thu thập được thông tin cư dân nhưng các cơ quan, ban, ngành khác với các dịch vụ từ bảo hiểm xã hội, y tế, hộ nghèo, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký học hành... mà các ngành không áp dụng được, phải về địa phương xác nhận thì cũng là một loại giấy phép con”, ông Hòa nêu. Từ đó, ông Hòa cho rằng, việc lưu hành song song sổ hộ khẩu, tạm trú cho tới hết 31.12.2022 là phù hợp.
“Ta bỏ hoàn toàn như vậy tôi e rằng sẽ khó khăn cho người dân trong việc giải quyết các quan hệ dân sự với cơ quan nhà nước, công quyền. Các cơ quan này không nắm được mà đòi hỏi xác nhận thì sẽ phiền hà cho người dân. Ta xóa bỏ sổ hộ khẩu là xóa vĩnh viễn, lâu dài về sau chứ không phải ngày một, ngày hai. Nếu nóng vội có thể gây phiền hà cho người dân”, ông Hòa nhấn mạnh.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tiếp tục khẳng định Bộ Công an đề nghị không dùng sổ hộ khẩu, tạm trú đã cấp thay cho giấy xác nhận về cư trú tới năm 2022. Theo ông Ngọc, vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến báo cáo Ủy ban Thường Quốc hội tại phiên họp thứ 47 ngày 10.8 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kết luận theo định hướng này.
Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng khẳng định, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 11.3.2020, trong đó xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021.
Sau đó, Bộ Công an đã có kế hoạch triển khai thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngày 4.2.2020. Theo đó, sẽ đưa vào vận hành chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1.7.2021 và đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.