Đại biểu Quốc hội: 'Nan giải' nhất với ngành toà án là đạo đức công vụ

Vũ Hân
Vũ Hân
06/11/2020 14:55 GMT+7

Tranh luận với Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình sáng 6.11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng nan giải nhất với ngành toà án hiện nay là đạo đức công vụ , chứ không phải trình độ của thẩm phán.

Sáng 6.11, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình về những hạn chế trong nâng cao chất lượng công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức ngành tòa án. Đại biểu Phương cũng đề nghị ông Nguyễn Hòa Bình có giải pháp cho việc này trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn trên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức danh tư pháp là một nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống tòa án. Điều này đã được ghi trong nghị quyết của Đảng cũng như các nghị quyết của Quốc hội.
Không đề cập đến vế “nguyên nhân hạn chế” mà đại biểu chất vấn, Chánh án đề cập ngay đến những giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ với 6 gạch đầu dòng.
Một là, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo của tòa án, đặc biệt là Học viện Tòa án để đảm bảo đầu vào.
Hai là, tổ chức kỳ thi đầu vào quốc gia chặt chẽ và thực chất để tuyển cán bộ thực sự có năng lực.
Ba là, quy định đào tạo bắt buộc cho các thẩm phán. Hằng năm, mỗi thẩm phán phải có một thời gian bắt buộc phải đào tạo bổ sung.
Bốn là, tổ chức định kỳ đào tạo, bồi dưỡng qua hệ thống truyền hình trực tuyến, với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong và ngoài nước. “Hằng tháng, chúng tôi đều có sự tham gia của hơn 10.000 cán bộ trong toàn hệ thống”, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm.
Năm là, định kỳ hằng quý tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa tối cao với tất cả các thẩm phán toàn quốc để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, qua đó nâng cao chất lượng của thẩm phán.
Sáu là, yêu cầu bắt buộc tất cả các thẩm phán toàn quốc mỗi năm ít nhất có một vụ án điểm, trực tiếp chủ trì để rút kinh nghiệm. Qua đây là bài học thực tiễn để tự đào tạo.
Bảy là, tất cả các kỳ thi thẩm phán sơ cấp, trung cấp, thi nâng ngạch, muốn được bổ nhiệm là thẩm phán sơ cấp, trung cấp hay cao cấp đều phải qua kỳ thi quốc gia một cách thực chất và chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành trong kỳ thi này.
Ngay sau câu trả lời trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), cũng là một luật sư kỳ cựu, đã tranh luận với Chánh án Nguyễn Hòa Bình, cho biết ông rất yên tâm về năng lực của đội ngũ thẩm phán, vì mấy chục năm qua, chúng ta đã đào tạo rất tốt.
Vấn đề mà đại biểu cho là nan giải nhất hiện nay, theo khảo sát của ông và rất nhiều cử tri phản ánh, là đạo đức công vụ.
Đại biểu Nghĩa đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết hiện trạng và giải pháp trong việc nâng cao đạo đức công vụ. Nên chăng có chính sách đãi ngộ (tốt hơn), đồng thời hết sức nghiêm khắc để loại bỏ những người không đủ đạo đức?
Buổi chiều, dù đã trả lời ý kiến của các đại biểu, nhưng Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chưa trả lời tranh luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
"Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội"
Trong buổi sáng, báo cáo trước Quốc hội về công tác xét xử trong nhiệm kỳ, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cũng khẳng định các tòa án đã làm tốt và đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, thực hiện nghiêm nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng.
Trong xét xử các vụ án hình sự đã “đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội”, báo cáo của Chánh án cho biết.
Ngoài ra, theo báo cáo, ngành toà án cũng đã thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư; đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng... áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.