Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo tình hình Biển Đông

20/05/2015 11:21 GMT+7

(TNO) Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sáng nay 20.5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Quốc hội đã ghi nhận đề xuất của đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp thu, đưa vào chương trình kỳ họp để Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tại một phiên họp chính thức về tình hình biển Đông.

(TNO) Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sáng nay 20.5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Quốc hội đã ghi nhận đề xuất của đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp thu, đưa vào chương trình kỳ họp để Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tại một phiên họp chính thức về tình hình biển Đông.

gac-maToàn cảnh bãi Gạc Ma với các công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép - Ảnh: Mai Thanh Hải
Trước đó, tại phiên họp trù bị diễn ra trước khi kỳ họp chính thức khai mạc, đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp nội dung về việc Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình Trung Quốc mở rộng đầu tư, xây dựng tại Gạc Ma.
“Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc và Quốc hội chúng ta cần lên tiếng về vấn đề này”, ông Sơn đề nghị.
Ngoài nghe báo cáo về tình hình biển Đông, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ đánh giá kết quả điều hành kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. “Chúng ta sẽ nhìn lại cả chặng đường vừa qua, đánh giá đầy đủ thực trạng tình hình kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng… để xác định những hướng đi tới”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là kỳ họp mà Quốc hội sẽ xem xét, xử lý nhiều vấn đề quan trọng khác như thông qua hàng loạt dự án luật để hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, như luật Ban hành văn bản pháp luật, luật Chính quyền địa phương… Một việc lớn khác là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
khai-mac-Quoc-hoiTrước phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Ngọc Thắng
“Đây là dự án đặc biệt quan trọng với vùng động lực kinh tế phía Nam, đông đảo cử tri quan tâm nên Quốc hội cần bàn bạc kỹ về hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, tính khả thi phù hợp với yêu cầu phát triển ngành hàng không, khả năng huy động vốn cho dự án...”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý đến nhiều công việc khác tại kỳ họp này như nghe và cho ý kiến về tình trạng giam giữ những bị can có dấu hiệu bị oan sai, việc xử lý bồi thường oan sai; xem xét các báo cáo, kiến nghị của cử tri, việc giải quyết kiến nghị cử tri…
Đưa nợ xấu về dưới 3% 
Cũng tại phiên khai mạc sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ đọc báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình kinh tế tốt hơn so với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ ở kỳ họp thứ 8.
“Hết năm 2014, đã có 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao đã được thực hiện đạt và vượt kế hoạch, chỉ có chỉ tiêu lao động qua đào tạo không đạt. Tăng trưởng GDP cả nước năm 2014 đạt 5,98%, vượt chỉ tiêu và đạt mức tăng cao nhất tính từ năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% - thấp nhất trong nhiều năm; nợ xấu giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; xuất siêu 2,1 tỉ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, các huyện nghèo giảm trên 5%; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh…”, Phó thủ tướng cho biết.
Cũng theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong những tháng đầu năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, giá dầu thô biến động giảm mạnh; tranh chấp chủ quyền trên biển Đông diễn biến phức tạp…, nhưng kinh tế trong nước vẫn trên đà phục hồi với những dấu hiệu: tăng trưởng kinh tế đạt cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng chỉ tăng 0,04%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,2 tỉ USD, tăng 5%; vốn ODA giải ngân đạt hơn 550 triệu USD, tăng 11,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 8,84%; đã có 6.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại (sau thời gian ngừng hoạt động)…
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, như sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm vẫn tăng 4,5%.
“Tình hình tái cơ cấu ở một số ngành, lĩnh vực còn chưa đạt yêu cầu. Trên nhiều lĩnh vực xã hội còn có những yếu kém, như trong lĩnh vực lao động, còn để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, một số quy định mới về lao động chưa đạt sự đồng thuận cao. Ô nhiễm môi trường ở một số địa phương còn nghiêm trọng, có nơi dẫn đến bức xúc, khiếu kiện đông người. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn nhiều phiền hà gây lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, trong năm nay, Chính phủ sẽ tập trung nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, xử lý, giải quyết các vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối. Chống thất thu, nợ đọng thuế… đảm bảo cân đối ngân sách, quản lý chặt chẽ nợ công, tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung vốn cho các công trình cấp bách đi cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát vốn đầu tư; đẩy mạnh hoạt động hội nhập, hỗ trợ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…
“Chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chỉ đạo quyết liệt việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tăng cường thanh tra giám sát trong hệ thống ngân hàng để đưa nợ xấu dưới 3% trong năm 2015. Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã lên kế hoạch”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng cho biết trong năm nay, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường với điện, nước, y tế, giáo dục, tính đúng, tính đủ các chi phí, gắn với đảm bảo về an sinh xã hội cho đối tượng chính sách…  
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong báo cáo về tình hình giải quyết các kiến nghị của cử tri cho biết, trong các kiến nghị của cử tri, nổi lên những vấn đề bức xúc về tình hình tiêu thụ một số mặt hàng nông sản bế tắc; tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra nhiều; tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng lậu… còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
“Cử tri ở nhiều địa phương lo lắng tình trạng Trung Quốc tiến hành cải tạo, xây dựng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm Luật biển quốc tế, vi phạm những cam kết với các nước ASEAN…”, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.