Đại biểu Quốc hội chưa ngã ngũ bỏ hay không bỏ HĐND cấp quận

24/11/2014 16:15 GMT+7

(TNO) Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về dự luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sáng nay 24.11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chính quyền địa phương chỉ nên tổ chức 2 cấp, song cũng có ý kiến đề nghị phải tổ chức 3 cấp.

>> Góp ý mô hình chính quyền địa phương: Dân phải là số một
>> Chính quyền địa phương quá dễ dãi
>> Chính quyền đô thị không nhất thiết bỏ HĐND quận, phường
>> Chưa đủ thuyết phục để bỏ HĐND huyện, quận, phường

Dự thảo Luật sửa đổi đưa ra hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, phương án 1 quy định ở quận, phường không tổ chức HĐND, chức năng đại diện giám sát, quyết định các vấn đề địa phương do HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm. Phương án 2 quy định HĐND, UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố, trực thuộc T.Ư; quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương; xã, phường, thị trấn.

 nguyen-thi-quyet-tam
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, dự luật là cơ hội vàng để khắc phục căn bản những bất cập về cơ chế tạo ra hệ thống tổ chức nhiều tầng lớp chức năng, nhiệm vụ quyền hạn trùng lắp, khó xác định được trách nhiệm; bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả.

Nhấn mạnh để xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cần phải có tinh thần đổi mới quyết liệt, bà Tâm cho rằng cả hai phương án đưa ra tại dự thảo đều không phù hợp, và đề nghị chính quyền ở nông thôn theo lộ trình vẫn giữ ba cấp, còn chính quyền ở đô thị đã đến lúc phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Theo bà Quyết Tâm, với đặc điểm chính quyền đô thị, tổ chức một chính quyền hai cấp là phù hợp. “Một chính quyền hai cấp chúng ta hiểu theo nghĩa có HĐND và có UBND được tổ chức ở cấp thành phố và cấp chính quyền cơ sở. Cấp chính quyền cơ sở đó là ở phường”, đại biểu này giải thích thêm.

Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, cả hai mô hình tổ chức chính quyền địa phương đưa ra trong dự thảo đều chưa thật sự thuyết phục. Theo bà Thủy, nhiệm vụ của chính quyền địa phương theo dự thảo luật sửa đổi chỉ mới là phép cộng thuần túy nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND, chưa phù hợp với tinh thần đổi mới của Hiến pháp.

Điều này sẽ khiến khó xác định trách nhiệm của chính quyền mỗi cấp, đồng thời khó đảm bảo sự minh bạch trong xác định mối quan hệ giữa T.Ư với địa phương, giữa các cấp chính quyền với nhau. Bên cạnh đó, quy định về thực hiện phân cấp giữa chính quyền địa phương các cấp như trong dự thảo luật dễ dẫn tới tình trạng tùy tiện, dồn việc, đùn đẩy trách nhiệm của cấp trên cho cấp dưới.

Cụ thể hơn, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) ủng hộ phương án 2 của dự luật, đó là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính.

Theo ông Vinh, các vấn đề quan trọng về phát triển KT-XH địa phương, dự toán ngân sách của địa phương, nếu không do đại biểu Quốc hội, người dân tại địa phương đó quyết định, mà do đại biểu của cả thành phố quyết định, sẽ không tránh khỏi thiếu sâu sát, thiếu tính khả thi.

Ông Vinh phân tích thêm: "Không còn giám sát của HĐND địa phương nên cũng không tránh khỏi xa rời dân. Chính quyền địa phương chỉ còn là cơ quan hành chính, do vậy, tính chất chính quyền của dân địa phương bị suy giảm, dẫn đến dễ phát sinh tiêu cực hơn, không vì lợi ích của nhân dân địa phương".

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.