Đại biểu Quốc hội: Cần giám sát tham nhũng chính sách trong xây dựng pháp luật

26/03/2021 11:32 GMT+7

Có những quy định, nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện, thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.

Sáng 26.3, phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) kêu gọi Quốc hội cần nâng cao chất lượng xây dựng luật nhằm tránh tình trạng tham nhũng chính sách trong xây dựng pháp luật.
“Nếu rà soát thật kỹ, lật đi, lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ tổ chức thực hiện thì có thể nhận thấy, có những quy định, nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.
Cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống”, bà Mai nói.
“Trong 72 đạo luật được Quốc hội khoá 14 thông qua thì vẫn có đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các quỹ tài chính ngoài ngân sách”, bà Mai bổ sung. Trên thực tế, vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước.
Một vấn đề nữa được đề cập tới liên quan đến vấn đề tham nhũng chính sách là việc xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai.
“Một dư địa khác có thể dẫn đến tham nhũng chính sách là các quy định liên quan đến quản lý đất đai bao gồm đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, ưu đãi thực hiện về quy trình thủ tục, về phân cấp phân quyền các dự án những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách”, bà Mai nói.
Để khắc phục những vấn đề trên, bà Mai đưa ra 5 kiến nghị như đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật; lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; nâng cao hoạt động thẩm tra, đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách.
Hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh, cần tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào những quy định pháp luật những quy định trục lợi cá nhân.
Cuối cùng, theo đại biểu Mai, là sớm hoàn tất Chính phủ số, minh bạch hoá các quy định để người dân có thể thực hiện quyền nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.