Đại biểu 'điểm' 3 huyệt nhạy cảm khi 'truy' Thống đốc

17/11/2017 11:03 GMT+7

Nợ xấu, sở hữu chéo và lỗ hổng thanh tra là 3 vấn đề nóng, phức tạp, nhạy cảm được các đại biểu thẳng thắn chất vấn trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, sáng 17.11.

Đại gia lũng đoạn, thâu tóm ngân hàng 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh dẫn ngay kết luận công khai của Thanh tra Chính phủ, nêu: Trong giai đoạn 2010 - 2015, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm; chưa kịp thời xử lý các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả, chậm đưa ra biện pháp đối với các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt… “Trong kết luận này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho kiểm tra trách nhiệm của cá nhân liên quan. Đề nghị Thống đốc cho biết, từ năm 2015 đến nay đã tiến hành xử lý như thế nào?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) chất vấn về bức tranh thực sự của nợ xấu, đâu là số liệu thật và Thống đốc có giải pháp gì để xử lý?. Trong khi đó, câu chuyện sở hữu chéo của các đại gia, thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng cũng được nhiều đại biểu đề nghị Thống đốc báo cáo kết quả xử lý và giải pháp trong thời gian tới.

Liên quan đến sở hữu chéo, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm phải thoái vốn, chuyển nhượng lại cổ phần. Qua đó, tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện, kiểm soát và giảm mạnh. Cụ thể, đến nay, toàn hệ thống không còn cá nhân sở hữu trên 5% vốn, các tổ chức tín dụng sở hữu trực tiếp lẫn nhau giảm từ 7 cặp xuống còn 2 cặp; sở hữu cổ phần giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp; 19 tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu trên 15% giảm xuống còn 4.

“Tuy nhiên, sở hữu chéo rất phức tạp khi các cá nhân, tổ chức đứng tên hộ, mua hộ… nên để phát hiện, ngoài thanh tra pháp nhân kỹ lưỡng, cần cả điều tra”, ông Hưng cho biết.

Để khắc phục sở hữu chéo, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện luật Tổ chức tín dụng đang được sửa đổi sẽ tăng việc kiểm soát các cổ đông lớn, sửa đổi điều kiện và tiêu chí chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. “Đưa vào dự thảo luật các quy định về góp vốn, minh bạch hơn và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm sở hữu cổ phần, cổ phiếu”, Thống đốc cam kết.

Nợ xấu, nợ tiềm ẩn còn 556.000 tỉ đồng

Liên quan đến nợ xấu, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn báo cáo một loạt số liệu. Theo đó, số nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9.2017 là 2,34%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2015. Nhưng đánh giá thận trọng, tính cả nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC thì toàn hệ thống ước 556.000 tỉ đồng, giảm so với mức 600.000 tỉ đồng vào cuối năm 2016. “Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả khoản tiềm ẩn, khoản bán cho VAMC đang chiếm 8,61% tổng dư nợ, giảm so với mức 10,08% trước đó”, Thống đốc thông tin.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về xử lý trách nhiệm cá nhân của cơ quan thanh tra giám sát, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm điểm làm rõ. “Trên cơ sở kiểm điểm, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ hướng xử lý và kết quả cụ thể sẽ báo cáo đại biểu”, ông Hưng thông tin.

Trả lời thẳng thắn, đại biểu hài lòng

Khép lại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết có 39 câu hỏi, 5 tranh luận, Thống đốc trả lời gần hết. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, câu hỏi thẳng thắn, trúng vấn đề. Lần đầu trả lời, Thống đốc nắm chắc được tình hình thực trạng, làm rõ vấn đề và đưa ra được giải pháp. Phần trả lời nhận được sự hài lòng của đại biểu và cử tri đánh giá cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.