Đại án VNCB giai đoạn 2: Bác toàn bộ kháng nghị của Viện KSND

Phan Thương
Phan Thương
25/12/2018 13:00 GMT+7

HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm 30 năm tù đối với Phạm Công Danh. Ngoài ra HĐXX sửa án sơ thẩm, tuyên không thu hồi 1.633 tỉ đồng từ BIDV.

Sáng 25.12, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 6.126,8 tỉ đồng tại Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay là NH TNHH MTV Xây dựng VN - CB Bank, tiền thân là TrustBank) do Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện.
Vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của 15 bị cáo và có kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM.
Theo đó, HĐXX phúc thẩm sửa một phần bản sơ thẩm về hình phạt và thu hồi vật chứng so với bản án sơ thẩm; đồng thời không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM. 
Riêng hình phạt của Danh không thay đổi, HĐXX y án Danh 30 năm tù, tổng hợp hình phạt ở cả hai giai đoạn của vụ án, và bồi thường hàng ngàn tỉ đồng cho CB Bank, sau khi thu hồi nhiều khoản thu khác từ các cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ án.

Bác kháng nghị không cho 4 bị cáo được hưởng treo

Về trách nhiệm hình sự, đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM không đồng tình với bản án sơ thẩm khi cho 4 bị cáo: Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh được hưởng án treo, HĐXX phúc thẩm nhận định mức độ phạm tội của 4 bị cáo này bị hạn chế, phụ thuộc vào Phạm Công Danh. Ngoài ra, 4 bị cáo có cùng hành vi phạm tội trong cùng một vụ án, chỉ là tài xế, tạp vụ… đứng tên công ty cho Danh, không hưởng lợi, nếu không tách vụ án ra thành hai giai đoạn thì cũng không ảnh hưởng đến hình phạt nên án sơ thẩm tuyên 4 bị cáo được hưởng án treo là phù hợp.
Trước đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nêu cấp sơ thẩm cho 4 bị cáo trên được hưởng án treo là vi phạm Điều 3 Nghị quyết 02/2018 của HĐTP, rằng “không cho hưởng án treo đối với người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”. Trong khi đó, ở giai đoạn 1 của vụ án được xét xử vào năm 2016, 4 bị cáo này đã được tuyên án treo.
Ngoài ra, với các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin cải tạo không giam giữ, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của hai bị cáo là Lê Đài (bị cáo này có tình tiết giảm nhẹ mới là gia đình có công cách mạng) và Trần Hiệp (mắc bệnh hiểm nghèo).
Đối với các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt, cho rằng vụ án bị tách ra xét xử thành hai giai đoạn, sau đó tổng hợp hình phạt là gây bất lợi cho các bị cáo, HĐXX phân tích giai đoạn 1 của vụ án, các bị cáo bị đưa ra xét xử về hành vi cố ý làm trái rút tiền trực tiếp tại VNCB, ở giai đoạn 2 của vụ án các bị cáo bị xét xử về hành vi cố ý làm trái khi lấy tiền của VNCB đem qua 3 ngân hàng khác bão lãnh những khoản vay cho 29 công ty của Danh gây thiệt hại cho VNCB. Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo ở hai giai đoạn là 2 hành vi độc lập, không phải là 1 hành vi được tách ra hai giai đoạn nên bản án sơ thẩm tuyên là phù hợp, không ảnh hưởng đến hình phạt của các bị cáo.

Y án thu hồi 4.500 tỉ đồng từ CB Bank trả lại cho Phạm Công Danh

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, HĐXX phúc thẩm bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng như kháng cáo của CB Bank, tuyên CB Bank phải trả lại 4.500 tỉ đồng cho Phạm Công Danh.
Các bị cáo nghe HĐXX phúc thẩm tuyên án Ảnh: Phan Thương
Theo HĐXX phúc thẩm, 4.500 tỉ đồng Danh chuyển tăng vốn điều lệ cho VNCB, nay không được Ngân hàng Nhà nước hạch toán tăng vốn điều lệ thì phải trả lại cho Danh.
Đồng thời, HĐXX phúc thẩm nêu không có chứng cứ nào chứng minh Danh đã sử dụng 4.500 tỉ đồng cho mục đích cá nhân mà hòa vào dòng tiền chung của VNCB, sử dụng cho mục đích của VNCB (nay là CB Bank) nên cần giữ nguyên án sơ thẩm về việc thu hồi 4.500 tỉ đồng trả lại cho Danh, sau đó để Danh cấn trừ khắc phục hậu cho vụ án.
Trước đó, theo kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, dù Danh là người chuyển số tiền này về VNCB đứng tên các tổ chức, cá nhân góp vốn nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng nguồn gốc số tiền là bất hợp pháp; số tiền này chưa được Ngân hàng Nhà nước hạch toán tăng vốn điều lệ về VNCB và cũng chưa hạch toán là các khoản nợ phải trả. Ngoài ra, số tiền này được hòa chung vào các nguồn tiền khác và VNCB đã sử dụng hết ở giai đoạn Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT VNCB, nên không có cơ sở buộc CB Bank trả lại Danh.
Đối với các kháng cáo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương (đề nghị thu hồi thêm hàng ngàn tỉ đồng từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích, bị án Hứa Thị Phấn - PV)… HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận.

Không thu hồi 1.633 tỉ đồng từ BIDV

HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của BIDV về việc không buộc thu hồi 1.633 tỉ đồng từ BIDV để trả về cho CB Bank.
Theo HĐXX, tuy Danh lấy 1.633 tỉ đồng từ hành vi phạm tội trong vụ án để tất toán các khoản vay khác của Tập đoàn Thiên Thanh tại BIDV chi nhánh Hải Vân, BIDV sở giao dịch 2 nhưng 1.633 tỉ đồng này đã hòa vào tổng dòng tiền chung của BIDV năm 2012, 2013, trước khi vụ án VNCB bị khởi tố và không còn lưu lại BIDV.
Ngoài ra, theo HĐXX phúc thẩm, BIDV là ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước nắm giữ 95% vốn điều lệ, hiện tại NHNN đang chỉ đạo BIDV hoàn thiện phương án cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài do đó án sơ thẩm tuyên thu hồi và buộc BIDV phải trả 1.633 tỉ đồng cho CB Bank là không đúng, ảnh hưởng đến giao dịch của BIDV, ảnh hưởng đến nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, gây thiệt hại cho nhà nước.
Từ đó, cấp phúc thẩm thẩm đã sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.
Về những nội dung kháng cáo không chấp nhận thu hồi tiền, trả lại cho CB Bank của ông Trần Quí Thanh và một số ngân hàng, tổ chức khác, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận, y án sơ thẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.