Đại án thất thoát 966 tỉ ở Agribank chi nhánh 6: Giám đốc học hết lớp 2

22/10/2015 19:00 GMT+7

(TNO) Giám đốc công ty Tấn Phát khai bị cáo chỉ học hết lớp 2, đảm nhiệm chức vụ này chỉ việc ký tên và nhận lương hàng tháng.

(TNO) Giám đốc công ty Tấn Phát khai bị cáo chỉ học hết lớp 2, đảm nhiệm chức vụ này chỉ việc ký tên và nhận lương hàng tháng.
 

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Ngọc LêCác bị cáo tại tòa - Ảnh: Ngọc Lê
Chiều nay, TAND TP.HCM chuyển qua phần xét hỏi đối với nhóm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Dương Thanh Cường (nguyên Tổng giám đốc công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) và Thái Cường (Giám đốc công ty); tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng của Hồ Đăng Trung (62 tuổi, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6) và đồng phạm tại hợp đồng vay vốn 170 tỉ đồng.
Dương Thanh Cường là bị cáo đầu tiên được tòa mời lên thẩm vấn, bị cáo cho rằng bản cáo trạng chưa đưa đầy đủ một số lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra.

Đối với các bị cáo còn lại là cán bộ, nhân viên của ngân hàng Agribank chi nhánh 6, các bị cáo cho rằng mình chỉ làm công ăn lương, dù biết việc làm của mình là sai phạm nhưng buộc phải thực hiện vì có sự chỉ đạo của lãnh đạo Agribank chi nhánh 6.

Điệp khúc 'không nhớ, không biết'

Tại tòa, bị cáo Cường khai, Cường gặp và trao đổi với Hồ Đăng Trung đề nghị Agribank chi nhánh 6 cho Công ty Tấn Phát của Cường vay 170 tỷ đồng. Được Trung đồng ý, Thanh Cường chỉ đạo Thái Cường ký hồ sơ vay 170 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ và số 44 An Dương Vương.

Để hoàn tất thủ tục chuyển đổi pháp lý khu đất số 10 Âu Cơ, Cường chỉ đạo Thái Cường làm văn bản mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ và đưa cho nhân viên làm thủ tục chuyển đổi.

Bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6) cho rằng mình cũng là nạn nhân trong vụ án - Ảnh: Ngọc Lê

Cường nắm được thông tin Agribank chi nhánh 6 không cho các công ty của mình vay vốn nữa nên đã không trả cho Agribank chi nhánh 6 tài sản thế chấp, mà đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ đến Ngân hàng Phương Nam thế chấp vay tiền vào ngày 29.5.2008.

Ngày 15.6.2008, Thanh Cường tiếp tục chỉ đạo Thái Cường làm văn bản xin gia hạn thời hạn mượn đến khi hoàn tất thủ tục pháp lý. Sau khi biết được Cường đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ thế chấp vay tiền, Agribank chi nhánh 6 liên tiếp có thông báo đề nghị Cường trả lại tài sản nhưng Cường không trả mà dùng 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác tại Lâm Đồng và TP.HCM thế chấp bổ sung cho Agribank chi nhánh 6.

Khi đối chất tại tòa, bị cáo Thái Cường trình bày, bị cáo chỉ học hết lớp 2 nên không hiểu các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản với Agribank chi nhánh 6 là gì. Bị cáo nói với HĐXX: “Mắt bị cáo kém không nhìn thấy rõ, Cường kêu ký thì ký chứ không nhớ đã ký gì. Cường thuê bị cáo làm giám đốc công ty, trả lương 8 triệu/tháng. Với vai trò này bị cáo chỉ việc ký và nhận lương”. Riêng các câu hỏi của vị chủ tọa sau đó, đa số Thái Cường liên tục lặp lại điệp khúc ‘không nhớ, không biết’.

Phiên tòa tạm nghỉ, ngày mai, 23.10, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.  
 Thiệt hại cho Agribank chi nhánh 6 là 966 tỉ đồng
Theo cáo trạng, công ty Dệt kim Đông Phương hợp tác kinh doanh với các công ty của Dương Thanh Cường xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng số 10 Âu Cơ.
Để có tiền thực hiện dự án trên, Cường gặp và trao đổi với Hồ Đăng Trung, Giám đốc Agribank chi nhánh 6 đề nghị được vay tiền. Trung đồng ý cho Công ty Tấn Phát của Cường vay tiền và giao cho Phòng tín dụng thực hiện.
Ngày 28.9.2007, Cường chỉ đạo Thái Cường, Giám đốc Công ty Tấn Phát ký hồ sơ vay vốn gửi Agribank chi nhánh 6 đề nghị vay 170 tỷ đồng.
Mặc dù biết dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; biết tài sản bảo đảm số 10 Âu Cơ là giấy chứng nhận tạm thời không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp và không thực hiện việc đánh giá khả năng tài chính, xếp loại doanh nghiệp công ty Tấn Phát nhưng Nguyễn Hoàng Quốc Thụy vẫn lập báo cáo thẩm định, tái thẩm định là “dự án có hiệu quả khả thi và đề xuất cho vay”.
Riêng Hồ Văn Long và Trung biết rõ Công ty Tấn Phát là doanh nghiệp mới được thành lập, chưa đặt quan hệ giao dịch với chi nhánh, dự án số 10 Âu Cơ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận tạm thời không đủ điều kiện thế chấp cho vay, nhưng vẫn ký duyệt đồng ý cho Công ty Tấn Phát vay 170 tỷ đồng.
Theo quy định của Agribank Việt Nam, thẩm quyền cho vay tối đa của Agribank chi nhánh 6 không quá 80 tỷ đồng, việc cho vay 170 tỷ đồng phải xin nâng quyền phán quyết của Agribank Việt Nam. Nhưng Trung không thực hiện mà sử dụng mức phân quyền cho vay của dự án khác.
Cuối năm 2007, Cường có ý định thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Cường tiếp tục đến gặp Trung trao đổi đề nghị xin vay 700 tỷ đồng để thực hiện dự án. Trung đồng ý và giao cho Hồ Văn Long, Trưởng phòng tín dụng hướng dẫn Cường làm hồ sơ vay vốn.
Từ 12.2007 đến tháng 9.2008, Agribank chi nhánh 6 đã giải ngân cho công ty của Cường vay 628 tỷ đồng bằng 16 giấy nhận nợ.
Dù rằng Agribank chi nhánh 6 nhiều lần thông báo và có biên bản làm việc đề nghị công ty của Cường trả nợ, nhưng công ty và Cường không có khả năng trả nợ.
Như vậy, thiệt hại đối với Agribank chi nhánh 6 tại thời điểm tháng 9.2012 là hơn 966 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi.
Trong vụ án này, có 11 bị cáo bị truy tố về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong đó, có 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của ngân hàng Agribank chi nhánh 6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.