'Đại án' Phạm Công Danh: Luật sư đề nghị không chấp nhận khởi tố nhóm Phú Mỹ

25/08/2016 11:42 GMT+7

Sáng 25.8, các luật sư (LS) bảo vệ cho người có quyền nghĩa vụ liên quan trong vụ án Phạm Công Danh gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) tiếp tục phần tranh luận.

Theo đó, sau khi các LS bảo vệ cho các ngân hàng trình bày quan điểm, LS Phạm Ngọc Trung (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hứa Thị Phấn và nhóm cổ đông cũ - Phú Mỹ do bà Phấn làm đại diện) cũng phát biểu quan điểm về các kiến nghị của đại diện Viện KSND TP.HCM và các ý kiến của các LS trong vụ án liên quan đến bà Phấn, nhóm Phú Mỹ.
"Viện KSND vi phạm giới hạn xét xử"
Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND kiến nghị HĐXX thu hồi 986 tỉ đồng mà Phạm Công Danh đã chuyển cho bà Phấn và nhóm Phú Mỹ để mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín, vì đây là tiền Danh có được từ hành vi phạm tội.
Về kiến nghị này, LS Trung nêu, bà Phấn từng trình bày trong phần thẩm vấn, toàn bộ số tiền này bà Phấn không nhận. Danh trả trực tiếp vào tài khoản của bà Phấn được mở tại VNCB, sau đó VNCB tự quyết toán cho các khoản công nợ của nhóm Phú Mỹ tại VNCB. “986 tỉ đồng này được hòa vào dòng tiền của VNCB phục vụ kinh doanh. Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét, quyết định”, LS Trung nói.
Về kiến nghị của đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX khởi tố tại tòa để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay, trốn thuế, chiếm giữ trái phép tài sản đối với nhóm cổ đông cũ Phú Mỹ, LS Trung cho rằng kiến nghị nêu trên là không khách quan, vi phạm giới hạn về việc xét xử theo Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự.
“Các vấn đề liên quan đến bà Phấn và nhóm Phú Mỹ mà đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX khởi tố vụ án để làm rõ, theo chúng tôi đã được đề cập trong cáo trạng, rằng “Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đối với việc tranh chấp, tố cáo giữa các nhóm (Phú Mỹ, Phương Trang và Thiên Thanh). Trên cơ sở kết quả điều tra sẽ xem xét và quyết định xử lý sau”. Chúng tôi đề nghị HĐXX không chấp thuận kiến nghị khởi tố vụ án của đại diện Viện KSND”, LS Trung trình bày.
"Mua cổ phần là chuyển nhượng cả quyền lợi, nghĩa vụ"
Ngoài ra, trong phần tranh luận, các LS bào chữa cho bị cáo Danh đề nghị HĐXX làm rõ thực trạng ngân hàng trước khi giữa nhóm Thiên Thanh (do Phạm Công Danh làm đại diện) và nhóm Phú Mỹ chuyển nhượng cổ phần; khi chuyển nhượng cho ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) , bà Phấn không lấy một đồng nào và ra khỏi ngân hàng tay trắng nhưng khi chuyển sang cho ông Danh thì bà Phấn lại lấy 4.600 tỉ đồng; thu hồi 3.600 tỉ đồng đã thanh toán cho bà Phấn và nhóm Phú Mỹ vì ông Danh không nhận được tài sản như đã hứa từ nhóm Phú Mỹ; việc chuyển nhượng giữa các bên thực ra là mua bán bất động sản chứ không phải mua cổ phần nên các thỏa thuận chuyển nhượng, phụ lục kèm theo phải vô hiệu.
Với các ý kiến trên, LS Trung phân tích: “Tại đề án tái cơ cấu ngân hàng đều ghi rõ nguyên nhân dẫn đến lỗ lũy kế trên 6.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 2.800 tỉ đồng bởi Ngân hàng Đại Tín đã cho 2 nhóm Phú Mỹ, Phương Trang nợ quá hạn. Bị cáo Phan Thành Mai cũng khai tại tòa có biết kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tài chính của Ngân hàng Đại Tín. Bị cáo Danh cũng biết nên mới quyết định tham gia tái cơ cấu ngân hàng và tăng vốn góp nhằm đảm bảo đưa vốn sở hữu trên 3.000 tỉ đồng, cho nên không thể nói Danh không biết thực trạng tài chính của ngân hàng khi vào tham gia tái cơ cấu”.
Về ý kiến cho rằng ông Danh bị lừa khi mua cổ phần ngân hàng 4.600 tỉ đồng, LS Trung giải thích, thực tế ông Danh không mua trực tiếp từ bà Phấn mà nhận chuyển nhượng từ ông Thắm. Hơn nữa, khi chuyển nhượng cho ông Thắm và sau đó sang cho ông Danh, những người này đều phải trả khoản tiền mà nhóm Phú Mỹ đang vay tại Ngân hàng Đại Tín 4.620 tỉ đồng. Khoản tiền này được trả trực tiếp vào tài khoản của bà Phấn tại VNCB dùng tất toán cho các khoản vay.
“Vì thực tế bà Phấn và nhóm Phú Mỹ không nhận được 3.600/4.620 tỉ đồng nên không thể buộc thu hồi lại 3.600 tỉ đồng từ nhóm Phú Mỹ như các LS của bị cáo Danh kiến nghị HĐXX. Đây cũng là yêu cầu vượt quá giới hạn của việc xét xử. Chúng tôi đề nghị HĐXX không xem xét, nếu các bên có tranh chấp thì khởi kiện ra tòa dân sự”, LS Trung trình bày.
Cũng theo LS Trung việc mua bán chuyển nhượng một nhóm cổ phần chi phối của Ngân hàng thì việc chuyển nhượng này đã bao gồm cả thương quyền của ngân hàng trong đó bao gồm cả quyền lợi, nghĩa vụ kể cả rủi ro (nếu có). Do đó, không có chuyện việc hợp đồng chuyển nhượng và các phụ lục đi kèm vô hiệu như các LS ý kiến.
Về quan điểm của LS bào chữa bị cáo Danh cho rằng sai phạm của Danh là do nhóm cổ đông cũ – nhóm Phú Mỹ gây nên - LS Trung nhấn mạnh, thời điểm chuyển nhượng, Ngân hàng Đại Tín lỗ lũy kế trên 6.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 2.800 tỉ đồng; sau khi Danh tiếp quản thì vốn chủ sở hữu âm trên 18.000 tỉ đồng, tổng nợ phải trả của ngân hàng này là trên 38.000 tỉ đồng, trong khi tài sản chỉ có trên 16.700 tỉ đồng. Vì vậy, theo LS Trung ngân hàng ngày càng lỗ không thể đổ lỗi cho nhóm cổ đông cũ, mà do Danh và nhóm Thiên Thanh trực tiếp điều hành.
Theo LS nhóm Phú Mỹ, khi hoàn tất thủ tục pháp lý chuyển nhượng cổ phần Ngân hàng Đại Tín sang nhóm Thiên Thanh thì toàn bộ trách nhiệm của bà Phấn và Nhóm PM tại Ngân hàng Đại Tín đã được chuyển giao sang cho ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bao gồm tất cả các khoản công nợ và kể cả rủi ro. Hiện nay, NHNN đã mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng – CBBank, do đó CBBank phải kế thừa các quyền và nghĩa vụ của cổ đông VNCB trong đó có khoản công nợ của bà Phấn, nhóm Phú Mỹ. Từ đó, LS kiến nghị HĐXX xem xét giải tỏa tất cả các lệnh kê biên liên quan đến tài sản của bà Phấn, nhóm Phú Mỹ hiện đang thế chấp CBBank để CBBank xử lý thu hồi nợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.