Đại án Gang thép Thái Nguyên: 'Ai chịu trách nhiệm thì tòa cứ quyết chứ bị cáo không biết'

12/04/2021 19:06 GMT+7

Trước tòa, nhiều bị cáo là lãnh đạo TISCO thừa nhận các hành vi sai phạm, gây thất thoát số tiền lớn cho nhà nước . Tuy nhiên, do cơ chế làm việc tập thể nên trách nhiệm như thế nào là do tòa quyết.

Chiều 12.4, TAND TP.Hà Nội tiếp tục thẩm vấn các bị cáo nguyên là lãnh đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tổng công ty thép VN (VNS), để làm rõ về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Khai báo trước tòa, hầu hết các bị cáo đều xác nhận, sau khi TISCO ký hợp đồng EPC số 01 với nhà thầu Tập đoàn khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), phía nhà thầu đã nhiều lần vi phạm về tiến độ.

Xét xử đại án thất thoát hơn 830 tỉ ở Gang thép Thái Nguyên

Bị cáo Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TISCO, khai việc ký kết các văn bản xin chủ trương, cũng như ký thỏa thuận với nhà thầu điều chỉnh giá là do “thừa kế” từ người tiền nhiệm Trần Trọng Mừng, cựu Tổng giám đốc TISCO. "Bị cáo khi đó mới lên chức, chưa bao giờ làm dự án lớn, không kinh nghiệm gì nên tin tưởng anh em", ông Khâm giãi bày.
Về việc tách hợp đồng EPC và cho thêm nhà thầu phụ là Tổng công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) tham gia dự án, bị cáo Khâm thừa nhận là người trực tiếp ký hợp đồng với VINAINCON nhưng không trực tiếp thẩm định năng lực của nhà thầu này.
"Bị cáo không tìm hiểu về VINAINCON do đã có các văn bản giới thiệu trước đó. Thực chất, VINAINCON không đủ năng lực và nhân lực để triển khai, đã họp rất nhiều nhưng không đảm bảo tiến độ và đã tự dừng việc thi công, trả lại công việc cho TISCO.
Sau đó, trước sức ép của tiến độ, với trách nhiệm trước đội ngũ, dự án đã chậm được 2 năm rồi, chưa triển khai được hạng mục nào nên bị cáo cho nhân viên đi nghiên cứu năng lực của 13 nhà thầu phụ khác; và do vướng mắc khó khăn từ nhiều mặt nên dự án vẫn chậm tiến độ”, bị cáo Khâm khai, đồng thời cho biết hậu quả thiệt hại 830 tỉ đồng của dự án là "tích tụ từ đầu đến khi bị cáo làm đều ảnh hưởng đến tiến độ dự án, gây phát sinh chi phí”, ông Khâm trình bày.
Trong khi đó, bị cáo Ngô Sỹ Hán, Phó tổng giám đốc TISCO, khai chỉ là người giúp việc cho Tổng giám đốc, không chủ động thực hiện, các sai phạm của bị cáo cũng là do thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
Khai báo trước tòa, bị cáo Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch HĐQT VNS, cũng thừa nhận có việc TISCO báo cáo “nhà thầu MCC vi phạm và xin ý kiến chỉ đạo tìm giải pháp tháo gỡ chứ không phải dừng hợp đồng".
Ngoài ra, việc đưa VINAINCON vào tham gia dự án, bị cáo này khai: "Dưới thì xin tổng công ty nhưng chúng tôi không có quyền nên lại xin ý kiến của cấp trên. Bị cáo có nhận tờ trình của tổng giám đốc chọn VINAINCON, bị cáo giao cho Ban kiểm sát kiểm tra rồi trình. Sau khi các thành viên HĐQT đồng ý hết thì bị cáo gửi Thủ tướng. Khi cấp trên đồng ý rồi thì giao cho cấp dưới thực hiện”, ông Tinh khai.
“Tại thời điểm đó, bị cáo không nhận thức được, tâm nguyện là mong dự án nhanh vào sản xuất, không có vấn đề gì khác. Giờ mới biết nó gây thất thoát thì bị cáo thấy mình có trách nhiệm”, bị cáo Tinh khai tiếp.
Khi bị HĐXX truy “ai chịu trách nhiệm về thất thoát này" thì bị cáo Mai Văn Tinh đáp: “Cái này tòa quyết chứ bị cáo không biết. Bị cáo là người đứng đầu, làm việc tập thể nên cũng chịu trách nhiệm”.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư, HĐQT VNS là cấp quyết định đầu tư, được triển khai từ năm 2007 với tổng mức đầu tư dự kiến 3.843 tỉ đồng.
Tháng 8.2008, sau hơn 11 tháng triển khai dự án, nhà thầu MCC đã tự ý dừng hợp đồng, rút hết người về nước trong khi chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa chọn nhà thầu phụ, chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu.
Tuy nhiên, MCC lại có nhiều văn bản gửi chủ đầu tư đề nghị kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, đồng thời có văn bản đề nghị tăng thêm chi phí hơn 138 triệu USD.
Thay vì dừng hợp đồng với nhà thầu, thậm chí hủy đấu thầu, các bị cáo là lãnh đạo TISCO và VNS khi đó đã đàm phán với nhà thầu, đồng thời đề nghị các đơn vị hữu quan cho kéo dài thời gian thi công và tăng giá hợp đồng EPC hơn 138 triệu USD không có cơ sở.
Ngoài ra, các bị cáo đã tách phần C trong hợp đồng EPC để cho nhà thầu phụ tham gia… Hành vi của các bị cáo đã làm thiệt hại hơn 830 tỉ đồng tài sản nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.