Đà Nẵng: Nhùng nhằng đầu tư chợ Cồn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
08/06/2021 11:18 GMT+7

Sở Công thương TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn, trong đó chỉ ra hàng loạt vướng mắc nếu đầu tư chợ Cồn theo mô hình trung tâm thương mại.

Mặc dù từ năm 2017 đã ghi nhận tỉ lệ hơn 52% tiểu thương đồng ý xây dựng chợ Cồn với mô hình chợ truyền thống, nhưng phương án này chỉ được tính đến khi Đà Nẵng gặp phải vướng mắc và không thể triển khai mô hình trung tâm thương mại.

Hàng loạt vướng mắc

Sở Công thương TP.Đà Nẵng vừa có báo cáo phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn, trong đó chỉ ra hàng loạt vướng mắc nếu đầu tư chợ Cồn theo mô hình trung tâm thương mại (TTTM). Từ năm 2016 đến nay, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nội dung đề xuất phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn cũng như tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn (năm 2019). Sau khi có kết quả cuộc thi, đơn vị tư vấn được chọn đã xây dựng và trình phương án kiến trúc công trình TTTM chợ Cồn.
Theo phương án này, TTTM chợ Cồn sẽ cải tạo nhà chợ cũ 3 tầng nổi và xây dựng khối nhà chợ mới 8 tầng nổi, 2 tầng hầm (diện tích sàn gần 70.000 m2). Trung tâm được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn khoảng 900 tỉ đồng. Sở Công thương nhận định, dự án này có vốn đầu tư và quy mô xây dựng rất lớn, trong khi đó hiện chợ Cồn có 2.011 hộ kinh doanh (gồm 1.711 hộ cố định) với diện tích hơn 5.334 m2. Vì vậy, diện tích sàn 70.000 m2 sẽ không đảm bảo khả năng khai thác hiệu quả. Thực tế cho thấy các loại hình dịch vụ cửa hàng, nhà hàng… cho thuê hoạt động ở các tầng phía trên chợ truyền thống rất khó khai thác, kinh doanh kém hiệu quả.
Cũng theo Sở Công thương, các dự án hạ tầng thương mại, kể cả TTTM chợ Cồn không thuộc danh mục đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP (có hiệu lực từ ngày 1.1.2021); dự án này cũng không nằm trong danh mục được phân bổ vốn đầu tư công. Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án sử dụng đất sẽ không khả thi do phải thực hiện giải phóng mặt bằng để có đất sạch mới đấu giá được, giá khởi điểm sẽ rất cao vì nằm ở trung tâm TP dẫn đến chi phí thuê mặt bằng cao. “Điều này ảnh hưởng đến hơn 2.000 hộ tiểu thương hiện đang kinh doanh tại chợ. Các hộ tiểu thương sẽ không có khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng, không có mặt bằng để buôn bán, mưu sinh”, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương, nhận định.

Chợ Cồn truyền thống vẫn có sức hút, giữa trung tâm Đà Nẵng

Ảnh: Hoàng Sơn

Chuyển hướng đầu tư

Đáng chú ý, việc xây dựng TTTM chợ Cồn từ lâu đã không nhận được sự đồng thuận từ các tiểu thương.
Dẫn số liệu khảo sát ý kiến hộ kinh doanh (1.250 phiếu) về phương án đầu tư, xây dựng chợ Cồn do Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng thực hiện vào tháng 8.2017, Sở Công thương cho hay có 52,5% tiểu thương đồng ý xây dựng lại chợ với mô hình chợ truyền thống văn minh hiện đại, phù hợp với mong muốn được hoạt động kinh doanh trong mô hình chợ truyền thống, kinh doanh ở tầng thấp. Ngoài ra, có 78% tiểu thương ủng hộ phương án nhà nước bỏ vốn xây dựng và tiểu thương thanh toán tiền thuê mặt bằng theo định kỳ 15 năm/lần, công trình chợ có quy mô vừa phải để hộ kinh doanh có thể tham gia góp vốn thực hiện. Chỉ có 3,81% tiểu thương kinh doanh tại chợ được khảo sát muốn xây dựng lại chợ theo mô hình kết hợp chợ truyền thống với TTTM; 0,44% tiểu thương muốn xây dựng TTTM; 0,06% tiểu thương được khảo sát ủng hộ phương án đầu tư theo hình thức PPP.
Về phương án xây dựng Chợ Cồn theo mô hình chợ truyền thống văn minh hiện đại, Sở Công thương cho hay chợ mới sẽ có quy mô 1 tầng hầm và 3 tầng nổi; diện tích sàn xây dựng 32.600 m². Nhà nước bỏ vốn xây dựng công trình và tiểu thương thanh toán tiền thuê mặt bằng theo định kỳ 15 năm/lần; vốn dự kiến khoảng 400-500 tỉ đồng.
Dự kiến phương án này được thực hiện bởi đơn vị chủ quản là Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ (quy định cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập), công ty này là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên không sử dụng nguồn vốn vay để chi đầu tư. Vì vậy, để công ty này có thể đầu tư, Sở Công thương đề nghị cần nghiên cứu một mô hình đầu tư phù hợp trong việc xây dựng chợ Cồn, theo hướng tạo cơ chế, chính sách thuận lợi. Hiện UBND TP đã thống nhất để Sở Công thương tiến hành thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực để xây dựng phương án đầu tư, xây dựng, khai thác chợ Cồn (phương án tài chính, hình thức đầu tư phù hợp...).
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết vướng mắc lớn nhất khiến không thể triển khai phương án xây dựng chợ Cồn thành TTTM là do không phù hợp với hình thức đầu tư quy định tại Luật PPP. Đây cũng là vướng mắc đối với dự án chợ đầu mối Hòa Phước mà trước đó UBND TP đã thống nhất thông qua tờ trình đề nghị HĐND TP hủy kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP để chuyển sang phương thức khác. “Trong thời gian tới, vấn đề này phải được báo cáo ra kỳ họp để HĐND TP xem xét, qua đó sẽ lựa chọn phương án phù hợp trong đầu tư xây dựng chợ Cồn cũng như chợ Hòa Phước”, ông Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.