Đà Nẵng: Nhiều cán bộ 'chất lượng cao' dứt áo ra đi

07/09/2016 19:00 GMT+7

Nhiều trường hợp là cán bộ thuộc đề án nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) ra đi sau 5-7 năm làm việc vì không được vào biên chế.

Tại cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vào ngày 7.9, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng đã kiến nghị Chính phủ và TP.Đà Nẵng có cơ chế giữ chân nhân tài.

Theo ông Sơn, hiện khối lượng công việc rất lớn so với trước đây. Tuy nhiên, Sở chưa được bổ sung nhân sự để phục vụ công tác chuyên môn mới, trong khi chỉ tiêu biên chế hành chính được giao không tăng.

Theo ông Sơn, cuối năm 2015, số biên chế của Sở là 52 biên chế/85 cán bộ công chức (CBCC), người lao động. Đến năm 2020, theo quy định của T.Ư và TP chỉ được tuyển dụng 50% số biên chế nghỉ hưu, thôi việc thì Sở chỉ còn 49 biến chế/78 CBCC, vẫn còn 29 cán bộ, người lao động chưa được vào biên chế.

Một cán bộ Phòng Kinh tế đối ngoại (thuộc Sở KH-ĐT) cho biết, trước năm 2014, đối với cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài được TP quan tâm. Hằng năm, TP có gặp mặt để lắng nghe tâm tư của các bạn và đề nghị có những đề xuất cho TP. Thêm nữa là, các cán bộ 922 được cho thi biên chế theo dạng ưu đãi “thi là vào luôn chứ không phải thi rồi chọi rất khổ sở”.

“Các anh chị còn hỗ trợ tiền lương 1 triệu đồng. Nhưng từ năm 2014 đến nay thì mọi khoản hỗ trợ thì bị cắt hết nên rất hụt hẫng. Về vấn đề thu hút nhân tài đề nghị Bí thư và lãnh đạo TP xem xét lại để các anh chị có cơ hội cống hiến hơn nữa trong thời gian tới”, cán bộ này nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết thêm, qua nắm bắt nhận thấy nhiều cán bộ thuộc diện 922 có tâm lý làm việc đủ 7 năm (theo hợp đồng đào tạo) để ra ngoài làm.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, trước đây, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh có quyết định là chỉ cần đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sau 1 năm cán bộ 922 đều vào biên chế; hỗ trợ 1-1,5 triệu đồng theo mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng đến năm 2014 thì thôi việc này. Theo ông Xuân Anh, vấn đề này đã gây ra các luồng ý kiến như: quá ưu ái đối với diện thu hút, tạo tâm lý so bì và mặc cảm cho người khác.

“Người khác có thể làm lâu, hiệu quả nhưng cái người ta nhận được so với cán bộ 922 thì không được gì nhiều. Diện 922 mới về lại được vào biên chế trong khi người khác thì xếp lớp ở phía sau, chưa vô biên chế được. Từ đó tạo cảm giác có gì đó không công bằng”, ông Xuân Anh nói và nhận định, nếu áp dụng thì đến giờ thì chính sách đã nêu không phù hợp bởi việc biên chế hiện được Bộ Chính trị quy định.

Về việc hỗ trợ lương, ông Xuân Anh cho rằng, việc hỗ trợ vật chất không quan trọng bằng việc lãnh đạo quan tâm cho các cán bộ 922 thăng tiến, bổ nhiệm, đề bạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.