Đà Nẵng: Mở rộng thương hiệu 'đáng sống'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
29/09/2020 09:01 GMT+7

Với việc thực hiện 3 chương trình lớn tạo thành thương hiệu 'thành phố đáng sống', Đà Nẵng tiếp tục bổ sung các mục tiêu để phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 .

“Nhiệm vụ kép” sau dịch

Chương trình “5 không” ban hành từ năm 2000 trở thành chủ trương đột phá của Đà Nẵng, để tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc (không có hộ đói, không có mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của). Đến năm 2005, TP.Đà Nẵng tiếp tục có chương trình “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị). Năm 2016, thêm chương trình “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội).
Tính đến nay, sau gần 20 năm thực hiện các chương trình, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Xóa hết 850 hộ đói, cơ bản không còn hộ nghèo đặc biệt; hơn 90% số học sinh bỏ học chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề; cơ bản không còn tình trạng ăn xin nhếch nhác, điểm nóng xin ăn…
Đà Nẵng đầu tư xây dựng và giải quyết bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ nhà ở xã hội; hàng năm giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 3,4%. Cơ sở hạ tầng phát triển, một số dự án lớn được thu hút đầu tư cùng với các chính sách giải quyết nhu cầu nhà ở, hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội… Từ những kết quả này, Đà Nẵng từng bước chiếm lấy tình cảm của du khách trong và ngoài nước, được xem là TP bình an, có tên trong bảng xếp hạng những điểm đến hấp dẫn, là “thành phố đáng sống” của các tạp chí du lịch…

Việc xử lý người xin ăn trá hình đã làm nên thương hiệu Đà Nẵng “đáng sống”

Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nhìn nhận thời gian đến TP.Đà Nẵng tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa phải tiếp tục phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch rất khó khăn, sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan như gia tăng tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo, tệ nạn xã hội...
Nhu cầu việc làm cũng sẽ gay gắt hơn dưới tác động của quá trình chuyển đổi nền kinh tế số... “Để giải quyết các vấn đề xã hội, đòi hỏi các cấp chính quyền lựa chọn mục tiêu, định hướng thực hiện cho phù hợp. TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì các mục tiêu, chương trình hiện có, đồng thời bổ sung thêm một số mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Chinh nói.

“Không ai bị bỏ lại phía sau”

Trong bài tham luận đánh giá 3 chương trình đã nêu, ông Võ Công Trí (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng) cho rằng trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TP.Đà Nẵng sẽ phải xem xét bổ sung những biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người theo hướng giãn cách xã hội (khác với trước đó là thường chú trọng nội hàm tăng trưởng kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường). Không chỉ phải tư duy lại việc quy hoạch tránh tạo nên đô thị quần cư quá lớn, cải thiện môi trường đô thị, mà trong cơ cấu sản xuất, kinh tế số đang và sẽ lên ngôi. Các ngành liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người sẽ được đặc biệt chú trọng, ý thức cộng đồng sẽ được quan tâm hơn thay cho tâm lý tuyệt đối hóa quyền tự do cá nhân.
Tất nhiên, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội... “Đây là điều đáng để chúng ta suy ngẫm nhằm xác định nội dung, phương hướng, bổ sung hoàn chỉnh các nội dung “4 an”, nhất là nội dung về an sinh xã hội với nội hàm chú trọng hơn nữa tới các lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người”, ông Trí nêu ý kiến.
Tại hội nghị đánh giá thực hiện chương trình TP.Đà Nẵng “5 không, 3 có, 4 an” diễn ra vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP.Đà Nẵng điều chỉnh bổ sung chương trình, chọn những vấn đề bức xúc ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội để thực hiện quyết liệt, có trọng tâm… Các cấp, ngành tập trung thực hiện Chỉ thị 43 ngày 3.9.2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển kinh tế quốc phòng gắn với nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới với những giải pháp đồng bộ, căn cơ, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng. “Quan điểm, chủ trương nhất quán của TP là phát triển gắn với giải quyết chặt chẽ các vấn đề xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển và mọi người dân đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất…”, ông Quảng nhấn mạnh.

Nên tích hợp một số mục tiêu

Liên quan đến mục tiêu an sinh xã hội trong “4 an”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, kiến nghị nên tích hợp mục tiêu “không có người lang thang xin ăn” (trong chương trình “5 không”) với mục tiêu “an sinh xã hội”.
Đồng thời, tích hợp mục tiêu “không có người lang thang xin ăn” với mục tiêu “có việc làm” (trong chương trình “3 có”). Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cũng cho rằng khi thực hiện các chính sách an sinh đối với những người yếu thế cần tiếp cận từ góc độ quyền của họ được pháp luật bảo vệ trên tất cả mọi mặt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.