Đà Nẵng: Manh nha 'tái xuất' nạn cho vay nặng lãi

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
06/07/2021 08:39 GMT+7

Trong bối cảnh Covid-19 gây nhiều khó khăn cho người yếu thế, tội phạm cho vay nặng lãi lại 'len lỏi' và có dấu hiệu tái xuất tại Đà Nẵng qua một số vụ việc vừa bị công an ngăn chặn.

Một buổi tối giữa đầu tháng 5, lực lượng 911 TP.Đà Nẵng dừng người đang điều khiển xe máy tốc độ cao ở ngã tư Ngô Quyền - Vương Thừa Vũ (Q.Sơn Trà) để kiểm tra, phát hiện trong túi xách của người này có nhiều tiền mặt, giấy tờ thể hiện tiền thu nợ trong ngày, biểu hiện cho vay nặng lãi. Thiếu tá Nguyễn Việt Tuấn, Tổ phó tổ 1 lực lượng 911, cho hay danh sách người vay chủ yếu là phụ nữ, lãi rất cao, có người vay hơn 6 triệu đồng nhưng trả lãi 200.000 đồng/ngày. Hà Xuân Quang (26 tuổi, ngụ Quảng Nam), người điều khiển xe máy, cũng khai nhận do lo con nợ lấy lý do giãn cách xã hội để chây ỳ, nên tranh thủ đi đòi nợ thuê ban đêm.
Nguyễn Cảnh Đức, Nguyễn Văn Đạt từ Thanh Hoá vào Đà Nẵng cho vay nặng lãi ẢNH: N.T

Nguyễn Cảnh Đức, Nguyễn Văn Đạt từ Thanh Hoá vào Đà Nẵng cho vay nặng lãi

ẢNH: N.T

Một “giang hồ” đòi nợ thuê khác là Đỗ Hoàng Vũ (25 tuổi, ngụ Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cũng vừa bị lực lượng 911 bắt giữ. Chiều 20.5, tổ công tác số 1 tuần tra ở P.Chính Gián (Q.Thanh Khê) phát hiện Vũ cầm điện thoại to tiếng chửi bới ai đó khi đang điều khiển xe máy. Qua kiểm tra, phát hiện trong cốp xe Vũ có nhiều giấy tờ cho vay nặng lãi. Vũ khai nhận được Nguyễn Vũ Quý (ngụ Q.Liên Chiểu) trả lương tháng để đòi nợ thuê hơn 1 năm qua, những người chậm trả đều bị Vũ chửi rủa, xúc phạm. Trong điện thoại Vũ còn có nhiều tin nhắn đe dọa, “khủng bố” người vay.

Tín dụng đen ngoại tỉnh tái xuất

Sau một thời gian bị Công an TP.Đà Nẵng truy quét, đưa vào diện giám sát đặc biệt, các ổ nhóm tín dụng đen buộc phải “co vòi” hoặc rời khỏi địa bàn, nhất là các nhóm từ phía bắc vào hoạt động. “Sau giai đoạn 2019, các công ty núp bóng cho vay nặng lãi đã bị bóc gỡ, các đối tượng bị giám sát chặt chẽ buộc tự rời khỏi Đà Nẵng”, đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, nói.
Tuy nhiên, một số vụ việc vừa qua cho thấy dấu hiệu manh nha trở lại của loại tội phạm này. Liên tiếp trong tháng 5, lực lượng 911 phát hiện nhiều vụ có dấu hiệu đòi nợ thuê. Trong số đó, Nguyễn Cảnh Đức và Nguyễn Văn Đạt (cùng 19 tuổi, cùng ngụ Thanh Hóa) ban đầu tự nhận vào Đà Nẵng du lịch, dọa kiện 911 vì “xúc phạm du khách”, nhưng cuối cùng phải khai nhận đang mang tiền vào Đà Nẵng cho vay nặng lãi, mở rộng mạng lưới tín dụng đen từ Thanh Hóa. Tương tự, nhóm Nguyễn Văn Đức (20 tuổi), Trần Văn Uy (23 tuổi, cùng ngụ Ninh Bình) cũng bị phát hiện có nhiều dấu hiệu cho vay nặng lãi, “khủng bố” đòi nợ và lô đề. Cả hai định hối lộ ngay 150 triệu đồng cho lực lượng 911 để xin tha, nhưng bất thành. Đây là nhóm tiếp cận “khách hàng” là người dân lân cận và tiểu thương chợ Non Nước. Vay không thế chấp, nhưng lãi suất “cắt cổ” đến 5%/ngày, tức vay 10 triệu đồng thì trả lãi 500.000 đồng/ngày.
Theo thống kê của Công an TP.Đà Nẵng, hồi tháng 5 có 4 vụ liên quan đến tín dụng đen (với 6 nghi phạm) bị xử lý. Nhưng sang tháng 6, có đến 14 bị can bị khởi tố, bắt giam, trong đó có Phạm Quốc Đạt (30 tuổi, trú Hà Nội). Những bị can này hầu hết có tiền án, tiền sự và đều ngụ tại Hà Nội. Đây là đường dây tín dụng đen ngoại tỉnh lớn nhất bị triệt xóa kể từ đầu năm 2021 với số tiền cho vay hơn 10 tỉ đồng, đã lấy lãi hơn 3,7 tỉ đồng từ 200 người vay.
Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị nghiệp vụ tiếp tục giám sát chặt chẽ cơ sở, tăng cường kiểm tra lưu trú, kịp thời phát hiện các ổ nhóm có biểu hiện cho vay nặng lãi để đưa vào diện giám sát, có kế hoạch tấn công, trấn áp triệt xóa. Theo đại tá Trần Mưu, hiện nay đang manh nha những nhóm ngoại tỉnh đến câu kết với người địa phương, vì vậy ngoài lực lượng công khai kiểm tra (như 911) thì cảnh sát hình sự cũng được giao nhiệm vụ vào cuộc, phối hợp giám sát, điều tra.

Dùng sim rác, tài khoản ảo... cũng không thoát

Nhóm côn đồ đội lốt doanh nhân bất động sản của Phạm Quốc Đạt (vừa bị khởi tố 14 bị can trong tháng 6) đã thuê 2 căn nhà sang trọng ở Q.Ngũ Hành Sơn, dùng ô tô hạng sang để đi… đòi nợ. Đạt cho đàn em dùng mạng xã hội quảng cáo cho vay tiền không thế chấp, thủ tục nhanh gọn nhưng lãi “cắt cổ” 40-60% theo kỳ hạn 12- 28 - 34 ngày. Đến tận nhà xác minh nhân thân của “khách hàng” mới cho vay, thậm chí phân loại kỹ đối tượng (thí dụ ít điều kiện trả nợ như sinh viên, công nhân thì khống chế mức vay 5 - 10 triệu đồng). Còn lại, đa số cho vay mức 40 - 50 triệu đồng và đã có một khách hàng trú đường Quang Trung (Q.Hải Châu) bị sa lầy khi vay 600 triệu đồng.
Để tránh bị theo dõi, thành viên trong nhóm sử dụng sim rác khi liên hệ với người vay, dùng tài khoản ảo để nhận tiền trả nợ. Khi con nợ chậm trả sẽ bị gọi điện, nhắn tin đe dọa, gây ra hàng chục tạt sơn, ném chất bẩn để “khủng bố”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.