Đà Nẵng: Người dân mong đợi hiện thực các cam kết của đại biểu

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
26/06/2021 11:02 GMT+7

Phiên họp đầu tiên của HĐND TP. Đà Nẵng khóa 10 (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra hôm qua (25.6) đã nhận được nhiều kỳ vọng lời hứa lắng nghe dân, những cam kết hành động dành cho các đại biểu sau khi trúng cử.

Trình bày báo cáo tổng hợp các ý kiến cử tri, ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng, cho hay đối với nhóm nội chính, pháp chế, cử tri đặt vấn đề thực hiện tốt các cam kết, tức là “lời hứa” của các ứng cử viên sau khi trúng cử.

Các ĐB cũng phải dám đương đầu với khó khăn để phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Trong đó, cần quan tâm giám sát việc thi công các dự án lớn như các dự án liên quan đến môi trường (nhà máy rác thải Khánh Sơn, xây dựng nhà máy nước Hòa Liên), giáo dục (khu đô thị ĐH Đà Nẵng, ĐH liên cấp quốc tế), y tế (Trung tâm điều trị ung bướu quốc tế chất lượng cao, mở rộng BV sản nhi), giao thông (cảng Liên Chiểu, cụm nút giao thông cầu Trần Thị Lý…).

Đồng hành cùng chính quyền đô thị

Đặc biệt, khi TP thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119 của Quốc hội thì vai trò các ĐB HĐND TP trong công tác giám sát cần tăng cường hơn nữa, từ quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, vệ sinh môi trường, quản lý đất đai đến thực thi pháp luật. Cử tri đề nghị ĐB phải sắp xếp thời gian để thực hiện vai trò của mình, đảm bảo 1/3 thời gian làm việc. Phải là ĐB của nhân dân 365 ngày mỗi năm, chứ không phải ĐB trong 2 kỳ họp HĐND thường kỳ.

Các chức danh chủ chốt HĐND TP và UBND TP.Đà Nẵng

Hôm qua 25.6, các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đã bỏ phiếu bầu nhiều nhân sự mới vào các vị trí chủ chốt của HĐND TP và UBND TP.

Cụ thể:

  • Chủ tịch HĐND TP khóa 10: Ông Lương Nguyễn Minh Triết (Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP khóa 9).
  • Phó chủ tịch HĐND TP: Ông Lê Minh Trung (Phó chủ tịch HĐND TP khóa 9), bà Cao Thị Huyền Trân (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP).
  • Ban Pháp chế: Ông Lương Công Tuấn (Trưởng ban); ông Huỳnh Bá Cử, bà Nguyễn Thị Phượng (Phó ban).
  • Ban Kinh tế - Ngân sách: Bà Phan Thị Tuyết Nhung (Trưởng ban); ông Nguyễn Đình Tuấn, ông Trần Vũ Duy Mẫn (Phó ban).
  • Ban Văn hóa - Xã hội: ông Nguyễn Đình Khánh Vân (Trưởng ban); ông Trương Minh Hải, ông Lê Văn Nghĩa (Phó ban).
  • Ban Đô thị: Ông Nguyễn Thành Tiến (Trưởng ban); ông Đinh Vui, ông Lê Văn Dũng (Phó ban).
  • Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng: Ông Lê Trung Chinh (tái đắc cử); các Phó chủ tịch UBND TP: ông Hồ Kỳ Minh, ông Lê Quang Nam (tái đắc cử).

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết đây là nhiệm kỳ đầu tiên TP triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Do đó, vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND, các ban của HĐND và từng ĐB nhiều hơn, nặng nề hơn. HĐND TP khóa 10 xác định phương châm làm việc là luôn lấy sự đoàn kết, đồng thuận, sự tương tác làm nền tảng; lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí cho mọi hành động; lấy sự tin tưởng, hài lòng của cử tri là mục tiêu.

Ông Triết cam kết HĐND TP sẽ luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền, bắt tay triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để TP vượt qua khó khăn, thử thách trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, sớm trở lại với nhịp sống yên bình.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh nhấn mạnh, trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026 cần phải nỗ lực vượt bậc, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến nhân dân; kịp thời giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

Ông Chinh nhấn mạnh cần chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1.7. TP.Đà Nẵng quyết tâm tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là với các dự án quy mô lớn đang vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án đã có hiệu lực pháp luật… Tất cả nhằm tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, khởi công dự án, tăng thu ngân sách, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển bền vững.

“Đà Nẵng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tạo ra những thách thức mới trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2026. Do vậy, một trong nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng mà chúng tôi phải thực hiện được đó là phòng chống, khống chế dịch bệnh Covid-19; duy trì, ổn định cuộc sống người dân”, ông Chinh nói.

Sớm ban hành hướng dẫn ứng phó các tình huống

Từ kinh nghiệm trong đợt dịch Covid-19 lần này, Ủy ban Bầu cử TP.Đà Nẵng kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cần ban hành sớm các văn bản hướng dẫn nhằm ứng phó với các tình huống tương tự có thể xảy ra trong các đợt bầu cử tiếp theo để các địa phương chủ động hơn trong việc chuẩn bị và triển khai công tác bầu cử; tránh tình trạng lúng túng, bỏ sót công việc gây ảnh hưởng đến công tác bầu cử.

Trong bối cảnh phát triển nhanh, rộng khắp của công cuộc chuyển đổi số, Ủy ban Bầu cử TP cũng kiến nghị từ cuộc bầu cử nhiệm kỳ sau, cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng số trong việc lập, rà soát danh sách cử tri đi bầu, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu… nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, chính xác, tiện dụng và an toàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai phức tạp có thể xảy ra.

Hoàng Sơn

Dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng đến bầu cử

Do ảnh hưởng của Covid-19 nên công tác tổ chức bầu cử gặp nhiều khó khăn

Đó là những hạn chế được Ủy ban Bầu cử TP.Đà Nẵng nêu ra tại báo cáo tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, danh sách cử tri thường xuyên biến động, tăng - giảm mạnh ở những địa bàn có các khu cách ly y tế.

Trong bối cảnh vừa phòng chống Covid-19 vừa phục vụ công tác bầu cử nên việc phối hợp rà soát, báo cáo danh sách cử tri trước, trong ngày bầu cử tại một số địa phương vẫn còn chậm, chưa kịp thời.

Ngoài ra, do khó khăn trong công tác phòng chống Covid-19 nên các địa phương chưa có điều kiện tổ chức hiệu quả công tác mạn đàm về tiểu sử, cơ cấu, thành phần người ứng cử đến đông đảo cử tri TP, làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đại biểu được bầu. Tỉ lệ nữ đại biểu HĐND TP cũng chưa đảm bảo, chỉ đạt hơn 21% (theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 30%).

Tin, ảnh: Nguyên Thọ

Quy định mức kinh phí cho bầu cử phù hợp với từng địa bàn

Trong văn bản gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 để địa phương chủ động ban hành mức chi phục vụ công tác bầu cử tại địa phương, lập dự toán và giao các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2026. Trong đó, với số lượng cử tri ở từng địa bàn khác nhau thì cần có mức chi khác nhau để đảm bảo chi thực tế.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.