Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh bị đề nghị từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù

21/11/2018 12:05 GMT+7

Sáng 21.11, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ đã đề nghị mức án từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh , cựu trung tướng công an, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Thời hạn tù của bị cáo Phan Văn Vĩnh được tính từ 6.4.2018.
Viện KSND tỉnh Phú Thọ đề nghị thu giữ 6 thiết bị usb của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh chứa các dữ liệu mật đã chuyển cho cơ quan công an.
Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ nhìn nhận, trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh không thừa nhận tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mà chỉ nhận thiếu trách nhiệm. Bị cáo Phan Văn Vĩnh khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an đã  đồng tình với đề nghị của Nguyễn Thanh Hóa và ký ban hành Quyết định 158/QĐ-C41 (C50) ngày 14.5.2015 công nhận Công ty CNC là công ty bình phong của C50, khi chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3, là trái quy trình theo Quyết định 450 của Bộ Công an.
Với chức vụ là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, là người đứng đầu cơ quan được nhà nước giao cho trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm trong nhiều lĩnh vực, trong đó tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao và trật tự xã hội, Phan Văn Vĩnh phải là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội tổ chức đánh bạc, tội đánh bạc để có trách nhiệm đấu tranh trực tiếp và hướng dẫn đối với cấp dưới. Thế nhưng, sau khi nhận Báo cáo số 68/CNC-BTK ngày 18.5.2016 do Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch CNC ký, trong đó đề xuất “lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho phép triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng các trò chơi trực tuyến,…và thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử của CNC” (đồng nghĩa với đề xuất cho công khai việc kết nối, phục vụ cho game bài đánh bạc), nhưng cùng ngày Phan Văn Vĩnh bút phê: “Kính chuyển đồng chí Cục trưởng và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nghiên cứu và đề xuất”.
Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo Công văn số 1155/C50-P1 ngày 20.5.2016 để ký, đề xuất Phan Văn Vĩnh nội dung trên, để Phan Văn Vĩnh trình Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngày 22.5.2016, Phan Văn Vĩnh bút phê đồng ý với đề xuất của Nguyễn Thanh Hóa và giao Nguyễn Thanh Hóa trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát, tổ chức thực hiện đảm bảo hoạt động thí điểm và các thủ tục pháp lý đúng yêu cầu pháp luật và kiểm soát tình hình hoạt động của tội phạm về lĩnh vực này, có đề xuất tiếp trình Tổng cục và Bộ.
Việc cho phép này của Phan Văn Vĩnh là hoàn toàn trái với nguyên tắc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao quy định tại khoản 2 điều 4 Nghị định 25/2014/NĐ-CP ngày 7.4.2014 quy định.
Đáng chú ý, theo VKSND tỉnh Phú Thọ, khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành 2 game bài Rikvip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu báo cáo nhưng Phan Văn Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ 2 sau 50 ngày mới chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tham mưu lập báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng báo cáo không đúng sự thật, và cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc, mà còn chỉ đạo ông Nguyễn Công Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của Công ty CNC...
Theo cơ quan công tố, xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ. Trong đó, Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xem xét xử lý hành vi của Phan Văn Vĩnh mới dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại khoản 3 điều 281 bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị can được quy định tại điều 7 bộ luật Hình sự thì hành vi phạm tội của Phan Văn Vĩnh được áp dụng xử lý theo điểm a khoản 2 điều 356 bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017.
Theo Viện KSND tỉnh Phú Thọ, bị can Phan văn Vĩnh khai báo thành khẩn, nhưng phần thẩm vấn không thành khẩn, chỉ cho rằng gián tiếp thực hiện, không nhận thức bản thân phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn. Do vậy, không được hưởng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ, chỉ được hưởng là ăn năn, khoản 2, điều 51, bộ luật Hình sự.
Về lịch sử bản thân, khi còn công tác, Phan Văn Vĩnh nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ An ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương, bằng khen, là thương binh hạng 2/4 nên được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s, v, x khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, mẹ bị can Phan Văn Vĩnh là người có công với cách mạng được thưởng huân, huy chương nên bị cáo được hưởng thêm tình tiết quy định tại khoản 2 điều 51 bộ luật Hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.