Cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng bị đề nghị 8 - 9 năm tù

Thái Sơn
Thái Sơn
20/09/2019 10:18 GMT+7

Cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Bạch Hồng bị quy kết ký văn bản cho vay trái quy định gây thiệt hại gần 435 tỉ đồng cho nhà nước. Cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hồng 8 - 9 năm tù.

Sáng 20.9, tại Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.Hà Nội nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với 6 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát gần 1.700 tỉ đồng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.

Cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH làm mất tiền bảo hiểm xã hội như thế nào?

Theo đó, đại diện cơ quan công tố đề nghị HĐXX xử phạt 8 - 9 năm tù đối với ông Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đại điện Viện KSND, bị cáo Lê Bạch Hồng là người có trách nhiệm cao nhất trong BHXH. Ông Hồng đã cố ý cho Công ty cho thuê tài chính ALCII, thuộc Agribank vay tiền, trực tiếp gây thiệt hại gần 435 tỉ đồng nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội một thời gian nhằm giáo dục bị cáo thành công dân có ích, đồng thời răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng cũng được đánh giá là bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như là thương binh, thành khẩn khai báo...
Người tiền nhiệm ông Lê Bạch Hồng là bị cáo Nguyễn Huy Ban bị đại diện Viện KSND đề nghị xử phạt 15 - 16 năm tù, cũng về tội danh cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Ban bị cáo buộc đã ký 11 hợp đồng cho ALCII vay 630 tỉ đồng, khiến nhà nước thiệt hại hơn 1.263 tỉ đồng.
Ngoài ra, Viện KSND cũng đề nghị tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Phước Tường, cựu Trưởng ban Kế hoạch - tài chính kiêm Kế toán trưởng BHXH VN, 15 - 16 năm tù; Hoàng Hà, cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp thuộc Ban Kế hoạch - tài chính 8 - 9 năm tù; Trần Tiến Vỹ, cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp thuộc Ban Kế hoạch - tài chính, 3 - 4 năm tù, cùng về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị cáo Trần Thị Thanh Thủy, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BHXH VN, bị kiểm sát viên cho rằng đã không kiểm tra các thư bảo lãnh của Agribank, là nguyên nhân khiến các Tổng giám đốc BHXH VN ký duyệt cho ALCII vay tiền. Do đó, bà Thủy bị đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Về trách nhiệm dân sự, người giữ quyền công tố cho rằng, các văn bản bảo lãnh của Agribank phát hành liên quan vụ án không phải bảo lãnh vay vốn. Hợp đồng giữa ALCII với BHXH VN là hợp đồng vay vốn, không phải loại hợp đồng Agribank bảo lãnh.
Tuy nhiên, việc Agribank phát hành bảo lãnh đã tạo niềm tin khiến BHXH VN cho ALCII vay vốn trái pháp luật. Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên Agribank phải có trách nhiệm một phần trong việc khắc phục hậu quả, bồi thường trong số tiền gần 1.700 tỉ đồng các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước.
Theo cáo trạng, từ tháng 4.2008 - 8.2009, BHXH VN đã ký 14 hợp đồng cho ALCII thuộc Ngân hàng Agribank vay vốn từ Quỹ BHXH với tổng số tiền 1.010 tỉ đồng trái với quy định của luật BHXH.
Từ tháng 7.2018, TAND TP.HCM tuyên bố ALCII phá sản. Số tiền ALCII còn nợ BHXH VN nhưng không còn khả năng thanh toán là 1.697 tỉ đồng, gồm hơn 769 tỉ đồng tiền gốc và hơn 928 tỉ đồng tiền lãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.