Cứu nạn ngư dân mùa dịch

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
12/05/2021 10:05 GMT+7

Bên cạnh những vất vả của nghề cứu nạn, công tác ứng cứu ngư dân xảy ra ngay trong mùa dịch Covid-19 càng cam go khi lực lượng chuyên nghiệp còn phải lo an toàn phòng dịch.

“Tàu cá QNa 91926 có thuyền trưởng bị viêm ruột thừa cấp, đề nghị trung tâm cho biết thông tin dịch tễ toàn bộ ngư dân trên tàu để phòng chống Covid-19”. Đó là một đoạn trao đổi giữa các lực lượng làm nhiệm vụ cứu nạn tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) trong đêm 10.5.

Đội ngũ cứu nạn đảm bảo trang phục bảo hộ khi thực hiện cứu nạn thuyền trưởng Bùi Ngọc Dũng sáng 11.5

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Những bước công tác này bắt buộc áp dụng, khi kích hoạt phương án phòng chống dịch Covid-19. Đội ngũ Đà Nẵng MRCC phải làm nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo quân số sẵn sàng trực cứu nạn, vừa giữ an toàn cho nạn nhân, bệnh nhân trên biển và những người liên quan.
Lúc này, tàu cá QNa 91926 có thuyền trưởng Bùi Ngọc Dũng (46 tuổi, ngụ H.Núi Thành, Quảng Nam) bị viêm ruột thừa cấp khi đang hành nghề phía nam quần đảo Hoàng Sa (cách đảo Tri Tôn 20 hải lý về hướng Tây Nam). Đà Nẵng MRCC vừa nối máy để Trung tâm Cấp cứu y tế TP.Đà Nẵng hướng dẫn giảm đau cho thuyền trưởng, vừa kiểm tra dịch tễ để phòng chống Covid-19.
Tàu SAR 412 cũng nhận lệnh đưa y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu y tế TP.Đà Nẵng đi cứu nạn. Rạng sáng qua 11.5, tàu SAR 412 đã tiếp cận được tàu QNa 91926, ê kíp bác sĩ cùng nhân viên cứu nạn triển khai lên tàu cá để cấp cứu cho bệnh nhân. Sau ca cấp cứu tại chỗ để ổn định tình hình, bệnh nhân được đưa sang tàu SAR 412 để tiếp tục được chăm sóc y tế và khẩn trương quay về đất liền, đảm bảo an toàn tính mạng cho thuyền trưởng.

Luôn có “phương án dự phòng”

Trong suốt quá trình triển khai nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn thuyền viên QNa 91926, Đà Nẵng MRCC phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Cấp cứu y tế. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tại hiện trường và trong quá trình bàn giao bệnh nhân tại đất liền đều thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Đà Nẵng MRCC, cho hay kể từ đầu năm 2020 khi xuất hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải được xác định nằm ở tuyến đầu, luôn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bởi quá trình thực thi nhiệm vụ, các thành viên thường xuyên làm việc, tiếp xúc với tàu, thuyền viên đi từ nhiều vùng miền, nhiều quốc gia. Vì vậy, Đà Nẵng MRCC đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. “Tất cả các trường hợp cứu nạn trên biển đều được đưa vào tình huống nguy cơ có dịch, nên Đà Nẵng MRCC đã lắp đặt phòng cách ly trên tàu SAR 412. Sau khi cứu người thì tiến hành khử khuẩn, đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân ở riêng tại phòng này, cách ly với thuyền viên để đảm bảo an toàn trên tàu”, ông Nguyên nói.
Đà Nẵng MRCC hiện chỉ có 2 tàu SAR 412 và SAR 274 cùng lực lượng thuyền viên cố định. Trong mùa dịch, 2 tàu này phải “tách” ra, một tại cầu cảng Đà Nẵng MRCC (đường Hoàng Sa), một neo đậu tại cảng X50 (bên đường Yết Kiêu). Tất cả nhằm dự phòng tình huống xấu, khi đội hình chuyên nghiệp ở một trong hai của tàu bị cách ly thì tàu còn lại vẫn hoạt động được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.