Cướp biển lộng hành nơi biển Tây - Kỳ 3: Trấn cướp, ra giá chuộc tiền

12/11/2015 07:30 GMT+7

(TNO) Bên cạnh nỗi lo đối đầu với tàu cá nước ngoài vào đánh bắt trộm, ngư dân Việt Nam còn bị ám ảnh tình trạng trấn cướp, bắt phạt, thậm chí đụng độ với những đối tượng gọi thẳng ra là cướp biển.

(TNO) Bên cạnh nỗi lo đối đầu với tàu cá nước ngoài vào đánh bắt trộm, ngư dân Việt Nam còn bị ám ảnh tình trạng trấn cướp, bắt phạt, thậm chí đụng độ với những đối tượng gọi thẳng ra là cướp biển.

VIDEO: Tuần tra chống cướp biển trên biển Tây của Hải đoàn 28
 Trấn nóng, chuộc lạnh

Gần 20 năm công tác tại Đồn BP Sông Đốc, từ cán bộ trinh sát lên Đồn trưởng nên đại tá Võ Văn Thắng, nguyên Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau rất rành rẽ về câu chuyện cướp biển trên vùng biển Tây Nam.
“Ngay từ sau 1975, lợi dụng việc ta buông lỏng quản lý vùng biển (do không có phương tiện, xăng dầu, thiết bị liên lạc, rada phát hiện…), một số đối tượng bên Campuchia ngụ trên một số đảo nhỏ sát khu vực biển Việt Nam thường dùng xuồng cao tốc lao ra vây bắt tàu thuyền đánh cá của ta để cướp bóc ngư cụ, đồ đạc, tôm cá và đặc biệt là bắt người đòi tiền chuộc. Chúng tôi nhận được tin báo của bà con thường xuyên!”, đại tá Thắng kể và lắc đầu: “Thậm chí tàu quân đội làm kinh tế cũng bị bắt!”.
Tàu BP-28.01.72 của Hải đoàn 28 BP (bìa phải) cập mạn kiểm tra các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, có hoạt động nghi là cướp biển
Trong tài liệu của ngành chức năng, tình hình tàu Việt Nam bị trấn cướp, bắt phạt chỉ thể hiện qua con số chung chung vì… quá nhiều. Hãn hữu mới được ghi lại cụ thể, do sự việc xảy ra liên tiếp, dồn dập: 24 giờ ngày 13.7.1995, tàu sắt số 01 của Campuchia bắt 10 thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản trên vùng biển lịch sử ở khu vực Kênh 2, phạt tại chỗ 7 chiếc với 27.000 bạt và 3.000.000 đồng (3 chiếc khác không xác định được cụ thể).
Sáng sớm 14.7.1995, tại vùng biển khu vực núi Kép Việt Nam (cách Đồn BP Xà Lực, Phú Quốc, Kiên Giang khoảng 4km về hướng Bắc - Đông Bắc), tàu Hải sản Campuchia bắt 2 thuyền lưới cào của ngư dân Việt Nam và kéo về phía Campuchia, phạt 3 chỉ vàng, 1,4 triệu đồng.
Cán bộ phòng chống tội phạm, BTL Vùng Cảnh sát Biển 4 và BĐBP tỉnh Kiên Giang lấy lời khai đối tượng Indonesia cướp tàu dầu Orkim Harmony và trong quá trình bị lực lượng chức năng Malaysia truy đuổi, nhóm này đã hạ xuồng cứu sinh trên tàu Orkim Harmony để trốn chạy và ném toàn bộ vũ khí gồm 2 khẩu súng và 8 con dao xuống biển. Tuy nhiên, ngay khi vào đến vùng biển Việt Nam chúng đã bị Cảnh sát Biển và BĐBP Việt Nam bắt giữ.
Bên Campuchia thường xuyên bắt tàu cá của ngư dân Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhưng phương pháp bắt rất ẩu, theo kiểu tự phát: Mọi đơn vị các cấp, thích là phóng cano ra khu vực vùng nước lịch sử (khu vực biển giáp giới 2 nước, ngư dân 2 bên đã đánh bắt chung từ nhiều năm trước - NV), cập mạn tàu ta, kéo về bờ đòi tiền chuộc.
Có khi những cano này còn chạy sâu vào khu vực Thổ Chu mình bắt bớ. Tàu họ toàn 200 mã lực, ghe dân mình máy yếu chạy không nổi…(đại tá Võ Văn Thắng, nguyên Tham mưu trưởng BĐBP Cà Mau
9 giờ sáng 14.7.9.1995, trên vùng biển Phú Quốc, 1 tàu Campuchia gắn 2 máy Honda 10 bắt thuyền đánh cá của ông Thanh, phạt 1 chỉ vàng rồi cho về…
Chủ tàu Phan Văn Sơn ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhớ lại: Tàu không có tiền bạc, tài sản giá trị sẽ bị dong vào bờ giam giữ. Người bắt lái tàu gọi điện về Việt Nam cho chủ tàu hoặc người nhà ngư dân để “ra giá” chuộc. Hoàn tất quá trình “mặc cả” là mức giá cho từng người (theo mức độ giàu nghèo của gia đình và “trình độ tay nghề” trên tàu) và tiền vàng được giao ở 1 nơi nào đó, nhưng phải là bên đất Campuchia.
Nhiều trường hợp tàu - người được thả (sau khi đã giao tiền chuộc), được phía bắt “khuyến mãi” mấy ngày tự do đánh cá bên biển Campuchia…
Tàu gỗ mai phục canô
Những ngư dân Kiên Giang ở Hà Tiên và nhất là các quần đảo Phú Quốc, Hải Tặc, Bà Lụa, An Thới, Nam Du, Thổ Chu là những người phải “sống chung” với cướp biển sang từ vùng biển Campuchia từ những năm 70-80.
Mãi đến năm 1990, khi hệ thống Đồn BP của BĐBP Kiên Giang ổn định trên tuyến biên giới đất liền - đảo, việc ngăn chặn cướp biển mới được đẩy mạnh bằng sự kiện ngày 21.5.1991, trung tá Võ Hiệp Hòa, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 55 BP (sau đó về giữ chức Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang), trực tiếp chỉ huy bộ đội Đồn BP An Thới (Phú Quốc) vây bắt 1 tàu, 1 ca nộ cao tốc của bọn cướp biển.
Qua khai thác, các đối tượng khai nhận: đã tổ chức nhiều vụ cướp trên biển, thậm chí cướp cả tàu nước ngoài và buôn lậu…
Thời điểm đầu những năm 90, lực lượng tàu tuần tiễu duy nhất của tỉnh Kiên Giang làm nhiệm vụ chống cướp, bảo vệ vùng biển là Hải đội 2, đóng ở đầu Kinh Cụt (phường An Hòa, TP. Rạch Giá, Kiên Giang).
Một chỉ huy Hải đội đã nghỉ hưu lắc đầu: “Phương tiện tàu gỗ cũ kỹ, ít ỏi nên việc tuần tra trên biển phải kết hợp với đánh bắt hải sản, làm kinh tế cho BP tỉnh” và nhớ lại: Tàu cũ nhưng bắt được nhiều tàu cá xâm phạm. Nổi bật nhất là 3 giờ sáng ngày 25.9.1994, 2 tàu của Hải đội kết hợp với tàu trinh sát của Tiểu khu BP 55 đã bắt gọn 5 tàu có vũ trang của Campuchia xâm phạm hải phận nước ta. Các tàu này được cho là “cướp biển”…
4 tàu Thái Lan (bìa trái) bị bắt giữ tại vùng biển Cà Mau. 2 tàu sắt màu xám bìa phải là tàu của Hải đoàn BP 28, BTLBĐBP làm nhiệm vụ áp giải
Cano cao tốc của cướp biển bị xóa biển số, chạy vào đảo Thổ Chu hòng lẩn trốn lực lượng truy bắt ngoài biển nhưng bị BĐBP Kiên Giang bắt giữ hồi tháng 6.2015
Lịch sử BĐBP Kiên Giang ghi rõ: Trong những năm 80, bọn xấu cùng các lực lượng Campuchia bắt ghe của ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng nước lịch sử và kéo về Campuchia để phạt, mỗi năm khoảng trên 700 triệu đồng.
Riêng bọn cướp trên biển rất khó đánh, nên phải bố trí bí mật theo dõi và ngụy trang bằng phương tiện của dân. Tháng 8.1994, Đồn BP Rạch Tràm đã đánh cướp trên biển, tiêu diệt 2 đối tượng. Bên cạnh đó, Đồn còn huấn luyện cho nhân dân để tự bảo vệ, nhờ đó ngày 28.9.1995, ngư dân Rạch Tràm tự đánh cướp, tiêu diệt 1 tên.
Trận chống cướp biển “để đời” với BĐBP Kiên Giang là ngày 19.7.1995, Đồn BP Xà Lực (Phú Quốc) phối hợp với dân quân địa phương dùng 2 thuyền, chia làm 2 tổ cải trang thành thuyền đánh cá, hoạt động sát khu vực đường trung tuyến thuộc vùng biển Việt Nam.
Tàu tuần tiễu của Hải đội 2, BĐBP Cà Mau, trực tại bến Năm Căn, sẵn sàng xuất kích ngăn chặn cướp biển tại khu vực Cà Mau
Lúc 8 giờ sáng, vừa triển khai xong lực lượng, đã phát hiện 2 xuồng chạy sang từ phía Campuchia, chở 5 đối tượng mặc quần áo rằn ri mang 5 khẩu súng AK và 1 ống nhòm. Khi cách đội hình ta khoảng 70m, 3 tên trên xuồng đầu tiên xả súng bắn thẳng vào các thuyền, buộc BĐBP phải bắn trả, làm 2 tên chết tại chỗ.
Các đối tượng cướp biển điên cuồng xả đạn, khiến thuyền 1 của ta hỏng máy, thuyền 2 tăng tốc ứng cứu và cano cướp biển phải bỏ chạy về hướng Campuchia…
“Rạng sáng 18.7.1995, tại khu vực Hòn Nần, tàu 8446 của Kiên Giang đang đánh cá thì bị 4 đối tượng trang bị súng AK đi cano áp sát nố súng tấn công, khiến 1 ngư dân bị thương và tàu 8446 phải chạy về Ghềnh Dầu (Phú Quốc, Kiên Giang). Xác định các đối tượng là Cảnh sát Campuchia”…
…“Vùng nước lịch sử của Việt Nam và Campuchia nằm trong vùng biển tỉnh Kiên Giang và bờ biển tỉnh Cam Pốt (Campuchia), rộng khoảng 10.200 km2. Trong những năm 1989-1991, sau khi 2 tỉnh có chủ trương “mở cửa” (cuối 1989), tàu thuyền ngư dân ta từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào khai thác ngư trường vùng biển Tây Nam nói chung và khu vực vùng nước lịch sử nói riêng ngày càng tăng, khiến các lực lượng chức năng và địa phương không quản lý được.
Về phía Campuchia, sau khi quân tình nguyện ta rút về (1989), bạn tổ chức lực lượng bảo vệ vùng biển này nên xây dựng 6 Đồn Biên phòng, 1 Hải đoàn tàu Hải quân do Liên Xô viện trợ, củng cố các Công ty đánh cá, cho phép ngư dân mở rộng ngư trường và buôn bán với Thái Lan. Cũng từ 1989 - 1991, cả 2 bên nhiều lần bắt tàu thuyền của nhau (Việt Nam bắt 7 vụ/13 tàu/75 người; Campuchia bắt 8 vụ/16 tàu/85 người), đặc biệt trên vùng biển này xảy ra nhiều vụ trấn cướp”.
(Báo cáo số 59/BC-TM, ngày 10.7.1991, BTL BĐBP)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.