Cưỡng chế di chuyển gần 100 người cố tình ở lại các chòi canh ngao vạng

19/08/2016 12:18 GMT+7

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự kiến từ 14 giờ 19.8, bão số 3 (bão Dianmu ) sẽ đổ bộ vào Nam Định với sức gió cấp 10, giật cấp 12 - 14, lượng mưa 200 - 300 mm.

Trước vài giờ thời điểm dự kiến bão số 3 đổ bộ, thời tiết tại Nam Định tương đối sáng, thỉnh thoảng có mưa phùn. Tuy nhiên, trái ngược với thời điểm bão số 1 đổ bộ, PV ghi nhận tại tỉnh này, từ chính quyền đến người dân đều đang tập trung, dành toàn lực chống bão. Sáng 19.8, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Đình Nghị đã trực tiếp xuống chỉ đạo công tác gia cố, khắc phục kè Quy Phú đê hữu sông Hồng, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực. Ông Nghị cho biết đã chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các tuyến đê bị ảnh hưởng và triển khai các biện pháp khắc phục. Trong đó, các vị trí đê kè bị sụt, sạt lở trong cơn bão số 1 vừa qua như: kè Quy Phú, Mặt Lăng, Phú Ân, Cồn Ba, Cồn Tư đê hữu sông Hồng thuộc các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy và đê bối Ngọc Lâm, huyện Nghĩa Hưng đều đang được thi công khẩn trương gia cố, phấn đấu hoàn thành trước 13 giờ ngày 19.8, trước khi bão vào, đồng thời chuẩn bị hàng chục nghìn m3 đá hộc, hàng nghìn chiếc rọ thép, bao tải, vải chống tràn để hộ đê.
tranh-bao
Đến trước 11 giờ trưa ngày 19.8, toàn bộ tàu thuyền của Nam Định đã vào nơi tránh trú bão Ảnh Văn Đông
Đến 11 giờ trưa nay (19.8), toàn bộ 881 lao động trên 732 chòi canh ngao, lều chòi nuôi trồng thủy sản bên ngoài đê biển tỉnh Nam Định đã vào bờ an toàn. Huyện Giao Thủy đã di dời trên 1.500 hộ với trên 4.000 người trong các ngôi nhà yếu, nhà tạm sang các nhà cao tầng, kiên cố. Huyện Nghĩa Hưng đã sơ tán 281 hộ ở vùng nôi trồng thủy sản đê Cồn Xanh thuộc 4 xã: Nam Điền, Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành vào trong đê. Huyện Hải Hậu đã thông báo cho các xã ven biển chủ động di dân ở những vùng có khả năng ngập lụt như: xóm Gò, xã Hải Đông, khu du lịch Thịnh Long, thị trấn Thịnh Long trước 13 giờ. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, ông Mai Văn Quyết, sáng nay, Bộ đội Biên phòng các đồn ven biển Hải Hậu đã phải dùng biện pháp cưỡng chế để đưa gần 100 người cố tình ở lại các chòi canh ngao vạng ở ven biển vào bờ cũng như vận động một số thanh niên ra bờ biển “xem” bão vào.
Các địa phương đã kêu gọi tất cả hơn 2.000 tàu thuyền với trên 5.200 lao động đánh bắt cá vào bờ trú ẩn an toàn. 16 tàu với 60 ngư dân đánh bắt xa bờ tại vùng biển ngoài tỉnh cũng đã được thông báo vào bờ.
de-ke
Một đoạn đê biển tại thị trấn Thình Long, huyện Hải Hậu vừa được gia cố xong sáng 19.8 Ảnh Văn Đông
 
bien-hieu
Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Nam Định tháo dỡ biển hiệu lớn trên đường phố Ảnh Văn Đông
nha-hang
Nhà hàng Cửa Đông cho nhân viên gia cố biển hiệu, mái che Ảnh Văn Đông
quet-don
Nhân viên vệ sinh và người dân tỉa cành, dọn dẹp đường phố trước khi bão về Ảnh Văn Đông
chat-cay
Một hộ dân ở đường Trần Quốc Toản, thành phố Nam Định chặt cành, tỉa cây chống bão Ảnh Văn Đông
mai-nha
Một hộ dân khác ở đường Vị Hoàng neo buộc lại mái tôn Ảnh Văn Đông
dien-luc
Nhân viên điện lực gia cố lại cột, đường dây hạ áp tại đường Hà Thuyên, thành phố Nam Định Ảnh Văn Đông
thuc-pham
Rất nhiều người dự trữ thực phẩm để phòng mưa, bão kéo dài Ảnh Văn Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.