Cùng quy định, sao mỗi nơi làm mỗi khác?

14/08/2020 06:00 GMT+7

Cách hiểu không thống nhất khi thực hiện Thông tư 58 về đăng ký phương tiện giao thông, đặc biệt có nơi bắt buộc người mua và bán phải cùng có mặt khi sang tên xe cũ, khiến bạn đọc bức xúc.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 1.8.2020, Thông tư (TT) 58 của Bộ Công an quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành. TT này được đánh giá là có nhiều điểm mới phù hợp tình hình hiện nay, tạo điều kiện cho người dân sang tên xe chính chủ khi mua lại xe cũ. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc (BĐ) Thanh Niên, một số điểm đăng ký bắt buộc chủ xe cũ có mặt, trong khi trước đó, chủ mới và chủ cũ đã đến phòng công chứng và hoàn tất thủ tục mua bán.

Mỗi nơi làm mỗi kiểu !

PV Thanh Niên đã có mặt ở một số điểm đăng ký xe trên địa bàn TP.HCM và nhận thấy phản ánh của BĐ là có cơ sở... Không những thế, những BĐ ở các tỉnh thành khác cũng phản ánh tương tự. “Một số tỉnh đòi mang CMND gốc của tên chủ xe ghi trong cà vẹt tới mới cho rút hồ sơ, trong khi đã ký hợp đồng mua bán đầy đủ; lại tốn thêm thời gian đi mượn rồi đi trả CMND gốc của người bán. Phiền phức, rườm rà mất thời gian”, BĐ Lưu Trung Hỏa bức xúc.
Trong khi đó, theo nhìn nhận của BĐ Nguyễn Minh, TT 58 rất rõ ràng, không hiểu vì sao có tình trạng “mỗi nơi làm mỗi kiểu”. BĐ Nguyễn Minh cho rằng chỉ cần rà soát xe đó không phải là trộm cắp hay vi phạm pháp luật đang chờ giải quyết và người làm thủ tục có cam kết chịu trách nhiệm thì phải cấp biển số cho dân. Còn BĐ Bảo Kỳ thì thắc mắc: “Tôi thấy dân dịch vụ, “cò” giấy tờ xe làm rất nhanh! Chẳng cần chủ xe “ló” mặt và không xem mặt mũi chủ xe là ai nhưng họ vẫn có thể đăng ký được. Vì sao?”.
“Nếu cứng nhắc hoặc cố tình hiểu rằng, chủ cũ và chủ mới phải có mặt khi đến cơ quan đăng ký xe làm các thủ tục sang tên đổi chủ sẽ có tình trạng: chủ cũ ở Hà Giang, chủ mới ở Cà Mau. Tiền mua vé máy bay, ô tô đi lại để sang tên đổi chủ, tiền ăn uống quá tiền mua xe mới”, BĐ Phạm Hoan dẫn chứng.

Cần kỷ luật những người cố tình hiểu “méo mó”

Trong nội dung bài viết Thông tư 58 sang tên đổi chủ xe cũ mua lại: Bắt buộc 2 chủ xe có mặt?, đăng trên Thanh Niên, liên quan đến những vấn đề mà BĐ phản ánh, một lãnh đạo chuyên về công tác đăng ký xe ở TP.HCM cho PV biết: TT 58 tạo điều kiện cởi mở hơn để người dân đi làm thủ tục sang tên đổi chủ. Đáng chú ý, chủ mới, chủ cũ hoặc người được ủy quyền đều có thể một mình đến cơ quan đăng ký xe để làm các thủ tục sang tên đổi chủ. Tại TP.HCM, trước khi TT 58 có hiệu lực thi hành, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) đã gửi hướng dẫn về các đơn vị đăng ký xe ở quận, huyện. Tuy nhiên, vị này cũng nói rằng “việc thực hiện chưa đồng bộ có thể do TT còn mới, các đơn vị chưa thống nhất quy trình, nội dung thực hiện”.
Chính vì điều này, theo BĐ, để tránh tình trạng TT, chính sách dù đúng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng nếu có một số đơn vị thực hiện cố tình hiểu “méo mó” gây khó khăn cho người dân, thì cần có hình thức kỷ luật với người đứng đầu các đơn vị này theo nguyên tắc làm sai phải chịu phạt. Đừng để xảy ra tình trạng “trên bảo một đàng, dưới làm một nẻo”.
Cần rà soát nhanh chóng, có hướng dẫn ngay, tạo mọi điều kiện để người dân được thuận lợi trong giao dịch. Đừng để “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”! 
Trịnh Cường
Nên giảm bớt thủ tục gây khó khăn cho dân. Theo tôi, đưa vào chế tài trách nhiệm của người mua xe sang tên đổi chủ là được; còn lại dính dáng vào xe ăn cắp hoặc có vấn đề thì nên truy tố khi phát hiện ra... 
Dang Xuan Dien
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.