'Cúng cụ gia đình nào cũng có rượu, lẽ nào đưa tác hại lên bàn thờ?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/07/2019 12:47 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường dẫn lại câu nói trên để dẫn chứng rằng, việc triển khai luật Phòng chống tác hại rượu bia vào cuộc sống là không hề dễ dàng.

Sáng 4.7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Theo đó, 7 lệnh từ số 1 đến số 7 được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký trong các ngày 18, 26, 28.6 về việc công bố 7 đạo luật gồm: luật Quản lý thuế sửa đổi; luật Đầu tư công sửa đổi; luật Kiến trúc; luật Thi hành án hình sự; luật Giáo dục sửa đổi; luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ; luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về kế hoạch sớm đưa luật Phòng chống tác hại rượu bia vào cuộc sống, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế - cơ quan chủ trì soạn thảo luật này, cho hay Bộ T tế rất phấn khởi khi luật này được thông qua để làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc triển khai luật Phòng chống tác hại rượu bia vào cuộc sống là rất khó khăn, vì quản lý rượu bia là rất khó. “Trong quá trình xây dựng luật, có đại diện tổ chức nước ngoài còn nói: rượu bia được người dân sử dụng trong những dịp lễ quan trọng, thậm chí khi cúng các cụ, gia đình nào cũng có chén rượu trên bàn thờ, thì chẳng lẽ chúng tôi lại đưa tác hại lên bàn thờ?”, ông Cường nhắc lại, và nhấn mạnh: “Một câu nói gây xúc động như vậy cho thấy là việc triển khai luật này vào cuộc sống là rất khó”.

Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, công bố lệnh của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về 7 luật

Ảnh Lê Hiệp

Theo ông Cường, để triển khai, ngoài việc tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của người dân để tự bảo vệ sức khỏe cho mình, vấn đề quan trọng là quy định chế tài đối với các hành vi bị cấm đã quy định trong luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.
Ông Cường cho hay, luật này quy định 13 hành vi cấm, trong đó có: nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (đã uống rượu bia thì không lái xe)…
“Trong việc triển khai thực hiện luật Phòng chống tác hại rượu bia thì triển khai chế tài là rất quan trọng”, ông Cường nhắc lại, và nhấn mạnh để làm được việc này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự vào cuộc của báo chí.
Trả lời câu hỏi liên quan tới việc luật Phòng chống tác hại rượu bia mở rộng quy định cấm tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm cả xe máy) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì có phải sửa luật Giao thông đường bộ hay không, vì luật này không quy định đối với xe máy, ông Cường cho hay, tại điều khoản thi hành luật cũng đã quy định về việc sửa đổi luật Giao thông đường bộ, để đồng bộ hệ thống pháp luật.
Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ có hiệu lực từ 1.1.2020.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia (điều 5, luật Phòng chống tác hại rượu, bia):
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.
13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.