Cử tri quan ngại về tình trạng người Trung Quốc ‘lập xóm, lập phố’

Vũ Hân
Vũ Hân
11/05/2020 18:58 GMT+7

Cử tri tỉnh Bình Dương cho rằng, hiện nay, tình trạng người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, “lập xóm, lập phố” tại một vài địa phương là rất đáng quan ngại.

Theo báo cáo tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 8 của Ban Dân nguyện, cử tri tỉnh Bình Dương bày tỏ quan ngại về việc người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, “lập xóm, lập phố” tại một số địa phương và đề nghị cần quản lý chặt chẽ tình trạng người nước ngoài mua đất, sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhất là tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu.
Cử tri cũng đề nghị phải quản lý chặt chẽ du khách, người lao động đến từ Trung Quốc, để đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh khu vực.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Công an cho biết, những năm gần đây, nước ta có nhiều khu dự án kinh tế thu hút một lượng lớn người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, nhập cảnh để xây dựng, làm việc. Tuy nhiên, tại các khu dự án, chưa phát hiện tình hình phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến người nước ngoài.
Dù vậy, để bảo đảm an ninh, trật tự đối với các hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, Bộ Công an đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, nhất là quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm trong công an nhân dân.
Về công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an cũng cho biết, sẽ đề xuất ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Tham mưu ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4.10.2019 của Thủ tướng về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài, phòng ngừa, ngăn chặn việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích hoạt động phạm tội; Bộ Công an cho biết, đã tăng cường công tác nắm tình hình các cơ sở lưu trú có người nước ngoài tạm trú, các cơ sở có người nước ngoài đang lao động, làm việc; các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino; thực hiện nghiêm, quản lý chặt chẽ công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ Công an cũng đã chấn chỉnh việc định kỳ rà soát, thống kê, lập danh sách, nắm chắc số người nước ngoài cư trú tại địa bàn; thông qua quản lý người nước ngoài để nắm tin tức, tình hình liên quan đến an ninh, trật tự, kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật Việt Nam và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, năm 2019, giám sát chuyên đề về “việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam” từ năm 2013 đến nay, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho biết, có tình trạng nhiều nhà thầu nước ngoài tuân thủ không đúng quy định “sử dụng lao động trong nước đối với những vị trí công việc mà lao động trong nước đáp ứng được, đặc biệt là lao động phổ thông; chỉ được sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu”, do không có quy định xử phạt với nhà thầu sử dụng lao động không đúng theo phương án trong hồ sơ mời thầu.
Hiện vẫn còn tình trạng người lao động nước ngoài vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan du lịch, nhưng ở lại làm việc.
Tại các địa phương có chung đường biên giới trên bộ với các nước, tình hình lao động qua biên giới làm việc có tính chất, mức độ rất phức tạp, nhưng chưa có các văn bản pháp luật quy định để làm căn cứ giải quyết các vấn đề này, theo đoàn giám sát.
Trước thực tế trên, đoàn giám sát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo bộ luật Lao động năm 2012, nghiên cứu xây dựng luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó có quy định để quản lý lao động nước ngoài làm việc cho các nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Cũng năm 2019, giám sát về việc sử dụng đất đai đô thị kể từ sau khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến 2018, đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài, bởi kết quả giám sát cho thấy, có hiện tượng trên ở một số địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.