Cử tri Cần Thơ quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải

Mai Trâm
Mai Trâm
24/11/2020 17:54 GMT+7

Ngày 24.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) TP.Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri tại Q.Cái Răng và H.Phong Điền.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đỗ Văn Ngon (ngụ P.Ba Láng, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) đặt câu hỏi xin Chủ tịch QH cho biết vụ án Hồ Duy Hải đến nay tiến triển tới đâu. Bởi trên nhiều trang mạng viết rằng trong vụ án không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải tại hiện trường...
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vụ án Hồ Duy Hải diễn ra đã lâu, sau phiên giám đốc thẩm và có nhiều ý kiến khác nhau trong nhân dân. “Chúng tôi yêu cầu tòa xử độc lập. Tòa án theo Hiến pháp thực hiện quyền tư pháp một cách độc lập, tuy nhiên vẫn có sự giám sát. Ví dụ như Viện KSND giám sát hoạt động tư pháp, QH cũng giám sát về thực hiện quyền tư pháp. Do có ý kiến khác nhau nên sau phiên tòa giám đốc thẩm thì Ủy ban Thường vụ QH đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại. Do đó, vụ án đến nay vẫn chưa thi hành án. Chủ tịch QH cũng lưu ý với người dân rằng trên mạng chỉ là một kênh thông tin, người dân cũng cần nghe ý kiến của Chánh án TAND tối cao đã báo cáo trước QH.
Chủ tịch QH nhấn mạnh vụ án Hồ Duy Hải có sai hay không sai, có oan hay không oan thì phải chờ ý kiến kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện quyền tư pháp và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân.

Rừng bị khai thác kiệt quệ

Trả lời cử tri Q.Cái Răng về vấn đề biến đổi khí hậu, Chủ tịch QH cho rằng biến đổi khí hậu, rừng bị khai thác kiệt quệ, núi khai thác đá làm giao thông, diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp. Các vấn đề cử tri đặt ra rất đúng thực tế xảy ra; thiên tai rồi nhân tai làm cho hậu quả nặng nề hơn. Tất cả các vấn đề này Chính phủ, QH rất quan tâm và đã có chỉ đạo để làm sao giảm bớt thiệt hại do điều kiện tự nhiên và con người tác động, thông qua luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cử tri còn bức xúc phản ánh việc thu tiền điện qua tài khoản thẻ tại các vùng nông thôn hiện nay. Cử tri cho rằng việc thu tiền điện qua tài khoản thẻ thì nông dân làm gì biết, không lẽ phải bỏ công ăn việc làm đi ngân hàng đóng tiền điện, nếu không đóng thì sau 7 ngày bị điện lực cắt điện thì cũng khó cho dân.
Ông Trần Lê Bình, Phó giám đốc Sở công thương TP.Cần Thơ, cho rằng việc trả tiền qua thẻ là chủ trương của Chính phủ từ năm 2016. Từ chủ trương này, nhiều ngành chuyển thanh toán bằng tiền mặt qua thẻ như ngành thuế, ngành điện cũng đưa ra mục tiêu giảm thu tiền điện tại nhà. Hiện 3 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng đã thu qua app rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề cử tri phản ánh cũng xác đáng, điện lực đã ký kết thu hộ tiền điện tại hơn 500 điểm như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng điện thoại, thậm chí có cả ở quán trà sữa. Ông Bình cam kết sau cuộc tiếp xúc cử tri này, Sở sẽ phối hợp điện lực tuyên truyền để bà con nắm về các điểm thu hộ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ở H.Phong Điền (TP.Cần Thơ) vào chiều cùng ngày, Chủ tịch QH trả lời ý kiến của cử tri là cần có giải pháp hiệu quả hơn để phòng chống tội phạm, điều tra - truy tố, xét xử và thi hành án. Chủ tịch QH cho rằng đánh giá chung phòng chống tội phạm có những tiến bộ nhất định và có điểm sáng. Có những tội trước đây không có thì nay phát sinh, các cơ quan đã cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cụ thể như vụ bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Đinh La Thăng đã được tiếp tục khởi tố. Lúc bà Thoa đi nước ngoài thì chưa phát hiện sai phạm, sau này mới phát hiện, chứ không phải khởi tố rồi mà để bà Thoa đi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.