Cụ ông chịu án oan gần 40 năm: Mong được đền bù trước lúc chết!

Trần Cường
Trần Cường
28/06/2020 14:19 GMT+7

“Tuổi này như chuối chín cây, rụng lúc nào không biết. Hôm nay có khi khỏe, mai có khi mất rồi, nên tôi mong nhà nước sớm giải quyết đền bù oan sai ”, cụ ông Trần Ngọc Chinh (Vĩnh Phúc), người chịu án oan gần 40 năm, nói.

Ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi, trú xã Đồng Thịnh, H.Sông Lô, Vĩnh Phúc), người lính đặc công năm nào đã mất đi mắt trái, mắt phải chỉ còn 2/10 thị lực sau 34 tháng tù oan, chịu những trận bức cung, nhục hình vẫn phải trèo “chót vót” lên cây hái vải đi bán, kiếm đồng ra đồng vào trang trải cho cuộc sống lúc về già.

Tâm sự cay đắng của “chủ mưu” vụ giết người được giải án oan sau 40 năm

Trong căn nhà cấp 4 đã cũ, ông Chinh nheo mắt kể, vừa rời đơn vị, ông về quê thì bị vu cáo giết người và bị bắt đi, chịu giam cầm suốt 34 tháng và oan sai thêm gần 36 năm. Ngoài việc mất đi thị lực, sức khỏe ông cũng giảm sút nhiều sau mấy chục năm đằng đẵng cùng con cháu đi gõ cửa kêu oan khắp nơi. Đến ngày 9.10.2019, ông mới được “làm người lương thiện, rửa đi cái tội giết người”.

Mắt trái ông Chinh đã bị hỏng, mắt phải chỉ còn 2/10 thị lực

Ảnh Trần Cường

Sau khi được minh oan, ông Chinh đã có đơn yêu cầu được bồi thường những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, kinh tế,... cho suốt gần 40 chịu oan sai nhưng “chỉ nhận được sự im ắng”. Đến ngày 26.6, gia đình ông Chinh mới nhận được thông báo việc Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Vĩnh Phúc đang thụ lý hồ sơ đền bù.

Cụ ông 40 năm mang tiếng oan chủ mưu giết người mong ngóng đền bù

“Suốt 10 năm đánh giặc ở 3 chiến trường, tôi và em trai về quê thì bị bắt giam về tội giết người, thả tự do về vẫn bị hành xóm ghẻ lạnh, xa lánh vì “thằng mãn hạn tù về rồi” khiến tôi uất lắm. Được xin lỗi, cải chính rồi nhưng tôi mong phía Viện KSND Vĩnh Phúc sớm đền bù cho gia đình tôi. Án oan 3 người thì 1 người chết, ông Đệ đã 97 tuổi, tôi cũng gần 80. Tuổi này như chuối chín cây, rụng lúc nào không biết, hôm nay có khi còn, mai có khi mất rồi, mong nhà nước sớm giả quyết cho người oan sai”, ông Chinh nói.

Bà Trần Thị Thắm (77 tuổi, vợ ông Trần Trung Thám)

Ảnh Trần Cường

Cùng nỗi mong mỏi trên, anh Trần Văn Mạnh (45 tuổi, con trai ông Trần Trung Thám, sinh năm 1942, đã chết trong thời hạn tạm giam) cho biết, sau khi bố anh được giải oan, anh nhiều lần đề nghị các cơ quan tố tụng có biện pháp bồi thường thiệt hại sau những năm tháng bố anh chết oan, tuy nhiên không nhận được câu trả lời.
“Tôi phải chạy ngược chạy xuôi để bổ sung giấy tờ khởi kiện ra TAND tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng lại bị tòa yêu cầu gửi đơn đến Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc mới đúng thẩm quyền. Rồi mỗi lần làm đơn gửi Viện KSND lại nhận được văn bản trả lời thiếu hồ sơ này, hồ sơ kia. Tôi và bác Chinh lại tiếp tục ngược xuôi xin xác nhận ở địa phương, đi nộp 5 - 6 lần nữa mới được Viện KSND chấp nhận, thụ lý hồ sơ”, anh Mạnh nói, và mong mỏi sớm được nhận đền bù thiệt hại để vực lại kinh tế gia đình.

Anh Trần Văn Mạnh mong chính quyền sớm giải quyết đền bù oan sai cho bố mình

Ảnh Trần Cường

Ngày 27.6, ông Lê Tất Hiếu, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết cơ quan này đang nghiên cứu hồ sơ, áp dụng luật Trách nhiệm đền bù của nhà nước để tính toán và làm việc với các gia đình để thống nhất mức giá đền bù, giải quyết sớm cho người dân oan sai.
“Để xảy ra oan sai là trách nhiệm của thế hệ trước, nhưng những người hậu kế cần phải xem xét bồi thường đúng về mặt đạo lý và trách nhiệm. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm, đạo lý nhưng mức bồi thường phải phù hợp, tương xứng với pháp luật”, ông Hiếu cho hay.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 28.1.1980, ông Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng (xã Đồng Thịnh, H.Sông Lô, Vĩnh Phú, nay thuộc Vĩnh Phúc) được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ trên đồi sắn với nhiều tình tiết đáng ngờ.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phú khi đó đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can, gồm: ông Trần Ngọc Chinh (năm nay đã 79 tuổi), ông Trần Trung Thám (sinh năm 1942, em trai ông Chinh); ông Khổng Văn Đệ (năm nay đã 97 tuổi) và ông Nguyễn Đình Ký, cả 4 người đều trú tại xã Đồng Thịnh để phục vụ điều tra.
Công an tỉnh Vĩnh Phú sau đó xác định ông Ký là thủ phạm và tuyên án chung thân vào ngày 15.6.1983; ông Chinh, ông Đệ được ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và trả tự do vào ngày 10.10.1982. Ngày 18.10.1982, ông Thám cũng được đình chỉ điều tra vì không phạm tội, tuy nhiên trong thời gian tạm giam, ông Thám đã qua đời.
Đáng chú ý, sau khi được đình chỉ điều tra, trả tự do, chính quyền không tiến hành cải chính khiến 3 người vẫn mang tiếng giết người, bị dân làng dè bỉu. Cho đến ngày 9.10.2019, chính quyền mới tổ chức xin lỗi công khai, “rửa tội” cho 3 ông.
Sau đó, gia đình ông Chinh đã có đơn yêu cầu các cơ quan gây nên oan sai bồi thường 12,87 tỉ đồng, gia đình ông Thám đòi bồi thường 25 tỉ đồng và gia đình ông Đệ yêu cầu bồi thường khoảng 10 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.