Cụ bà Việt Nam cao tuổi nhất thế giới: 122 năm chỉ cần đủ ăn, đủ mặc; không đố kỵ, ganh ghét

06/06/2015 09:39 GMT+7

(TNO) Theo lời bà Ba, trong cuộc sống hàng ngày, cụ bà Nguyễ Thị Trù, người cao tuổi nhất thế giới không bao giờ dùng đòn roi hay nặng lời với con cái, cháu chắt. Với hàng xóm xung quanh, cụ cũng không bận tâm chuyện đố kỵ hay ganh ghét ai. Với cụ, chỉ cần đủ ăn đủ mặc là được.

(TNO) Theo lời bà Ba, trong cuộc sống hàng ngày, cụ bà Nguyễ Thị Trù, người cao tuổi nhất thế giới không bao giờ dùng đòn roi hay nặng lời với con cái, cháu chắt. Với hàng xóm xung quanh, cụ cũng không bận tâm chuyện đố kỵ hay ganh ghét ai. Với cụ, chỉ cần đủ ăn đủ mặc là được.

Cụ bà Nguyễn Thị Trù đã được Hiệp hội Kỷ lục thế giới công nhận là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới” - Ảnh: Đình Tuyên.
Cụ bà Nguyễn Thị Trù luôn sống vui vẻ - Ảnh: Đình Tuyên.
Tháng 4 vừa qua, cụ bà Nguyễn Thị Trù (122 tuổi), ngụ ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã được Hiệp hội Kỷ lục thế giới (World Records Association - WRA) chính thức công bố là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới”.
Nhân ngày Truyền thống Người Cao tuổi Việt Nam (6.6), Thanh Niên Online đã tìm về gặp và trò chuyện cùng cụ Trù và gia đình để khám phá bí quyết trường thọ của cụ. 
Cả một đời tần tảo lo chồng, lo con
Khi chúng tôi hỏi về công việc của cụ thời còn khỏe mạnh, bà Nguyễn Thị Ba (76 tuổi, con dâu út cụ Trù) cho biết cả một cuộc đời của cụ Trù tần tảo vì chồng vì con.
“Lúc nhà còn đất ruộng, mỗi ngày mẹ chồng tôi đều “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở ngoài đồng. Về đến nhà, bà lại tranh thủ chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. Đến khi sức khỏe không cho phép nữa thì bà ở nhà chăm sóc cháu chắt và thường xuyên đi lễ chùa gần nhà”, bà Ba cho biết thêm.
 Cụ Trù luôn thèm ăn bánh và uống sữa - Ảnh: Đình Tuyên.
Theo lời bà Ba, trong cuộc sống hàng ngày, cụ Trù không bao giờ dùng đòn roi hay nặng lời với con cái và cháu chắt. Còn với hàng xóm xung quanh, cụ Trù cũng không bận tâm chuyện đố kỵ hay ganh ghét ai.
Với cụ, chỉ cần đủ ăn đủ mặc là được.
 Cụ Trù rất vui mỗi lần ăn bánh - Ảnh: Đình Tuyên.
Đến năm 1976, chồng cụ Trù mất khi đã ngoài 80 tuổi, còn lại một mình nhưng cụ vẫn tận tụy chăm sóc cháu chắt trong nhà. Mặc dù không biết chữ nhưng cụ còn thường hay hát và đọc thơ cho cháu chắt nghe.
Cụ Trù có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng hiện chỉ có 2 người còn sống (đều đã ngoài 80 tuổi). Cụ có khoảng 20 người cháu, gần 20 người chắt và hơn 30 người chít. Con cháu trong nhà ai cũng hiếu thảo và tôn kính cụ Trù.
Cuộc sống khi về già không cô quạnh
Hiện tại cụ Trù đã 122 tuổi, đôi chân nhỏ bé đi lại cũng không còn vững, đi đâu phải có người dìu. Trí nhớ của cụ cũng đã lẫn lộn, ai tới cụ cũng móm mém mời ngồi và nói cười vui vẻ.
Ai tới thăm cụ Trù cũng đều nói cười vui vẻ - Ảnh: Vũ Phượng.
Hàng ngày, chính bà Ba là người lo từng bữa ăn đến vệ sinh cá nhân của cụ Trù. Bà Ba cho biết: “Bây giờ đi đâu cũng không yên tâm, lúc nào cũng lo cụ Trù ở nhà không người chăm sóc để ý rồi lỡ có nhu cầu gì sẽ ra sao”. Vậy nên bà Ba cả ngày cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, vừa chăm sóc vừa là người bầu bạn với mẹ chồng mình.
Cụ Trù ngủ nhiều giấc trong ngày - Ảnh: Vũ Phượng.
Cụ Trù rất thích ăn bánh ngọt, uống sữa và nói chuyện. Vì cụ bị lãng nên những câu chuyện cụ Trù kể thường không liên quan đến nhau, nhưng chỉ cần có người ngồi nghe cụ nói chuyện, là cụ lại luôn miệng cười.
 Ngoài các bữa ăn chính, cụ Trù còn ăn thêm bánh vào các bữa phụ - Ảnh: Vũ Phượng.
"Tất cả con cháu trong nhà cũng thường xuyên về đây sum họp trong các dịp lễ hay đám giỗ chạp, quây quần bên mâm cơm gia đình. Có lẽ đó cũng là bí quyết để nuôi dưỡng tinh thần cho cụ, giữ cụ ở lại với cuộc đời và con cháu cho đến ngày hôm nay”, bà Ba tự hào chia sẻ.
“Lần sau chị đến nhớ mua cho tui nải chuối sứ nha!”
Có mặt tại nhà cụ bà Nguyễn Thị Trù vào một ngày đầu tháng sáu, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cụ ngồi đong đưa trên chiếc võng, mời chúng tôi ngồi bằng nụ cười móm mém đầy nhân hậu.
Đây là lần thứ tư chúng tôi đến thăm cụ Trù, lần này tuy đang bị ốm nhưng cụ Trù vẫn luôn miệng nói cười vui vẻ. Cụ Trù nắm tay tôi rồi cười nói: “Tôi biết chị thương tôi lắm nên mới đến thăm tôi, tôi quý lắm, tôi sẽ nhớ suốt đời”.
Cụ Trù rất thích thú khi có người ngồi nói chuyện cùng, nên cụ kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về ngày cụ còn trẻ. Mặc dù những câu chuyện không liên quan đến nhau (do cụ bị đãng trí) nhưng cũng phần nào cho chúng tôi hiểu được tấm lòng mến khách của cụ.
Lúc cụ Trù đang ăn bánh thấy chúng tôi chụp hình tác nghiệp, cụ vừa cười vừa nói: “Có miếng bánh bằng ngón tay cái à mà anh chị cứ dọi vào chụp hoài”.
Đây cũng là lần đầu tiên cụ Trù nói chuyện và cười với chúng tôi nhiều đến như vậy. Khi chúng tôi chào cụ ra về, cụ níu tay tôi lại và dặn: “Lần sau chị đến nhớ mua cho tui nải chuối sứ nha, tôi sẽ cất để ăn dần dần”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.