CSGT phải ứng xử thế nào khi bị xúc phạm, lăng nhục?

11/08/2017 12:19 GMT+7

Theo một Phó cục trưởng Cục CSGT (C67) Bộ Công an, việc ứng xử của CSGT được quy định trong các cuộc vận động của Bộ về xây dựng tác phong, chuẩn mực của lực lượng này.

Một số vụ việc xúc phạm, lăng nhục cảnh sát giao thông (CSGT) trong khi đang thi hành công vụ thời gian qua đã tạo hình ảnh không đẹp trong tham gia giao thông.

Túm áo, thóa mạ CSGT giữa đường
“Nghe chửi”
Trao đổi với PV Thanh Niên, trung úy Nguyễn Văn Thành, Đội CSGT Công an Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ) cho biết, ngày 14.7, tổ tuần tra kiểm soát theo kế hoạch của Đội gồm 6 cán bộ (trong đó có trung úy Nguyễn Văn Thành), có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và dừng một điểm để kiểm tra tốc độ, các vi phạm khác tại địa điểm trên đường Võ Văn Kiệt, cách cầu Bà Bộ khoảng 200 m.
Khi tổ tuần tra đang làm nhiệm vụ thì phát hiện xe ô tô màu đen chạy quá tốc độ quy định là 81/70km/h nên ra tín hiệu dừng phương tiện. Lúc này, chiếc ô tô vẫn tiếp tục chạy nên trung úy Thành dùng xe đặc chủng đuổi theo khoảng 1 km tài xế mới cho dừng xe lại.
“Tôi vừa đến kêu tài xế xuống xe xuất trình giấy tờ thì người đàn ông ngồi bên cạnh tài xế lớn tiếng và dùng nhiều lời lẽ xúc phạm đến người làm nhiệm vụ, thậm chí đòi cách chức cả Giám đốc Công an TP.Cần Thơ”, trung úy Thành nói.
Trung úy Thành cho biết anh vẫn yêu cầu tài xế xuống xe, xuất trình giấy tờ để lập biên bản về hành vi xe chạy quá tốc độ nhưng người đàn ông ngồi bên cạnh tài xế vẫn cương quyết không cho tài xế xuống xe xuất trình giấy tờ theo yêu cầu.
Trung úy Thành khẳng định vụ việc xảy ra khoảng 5 phút, tại thời điểm diễn ra vụ việc anh có thái độ đúng mực và kiên quyết yêu cầu tài xế xuống xuất trình giấy tờ theo quy định, hoàn toàn không xúc phạm người đàn ông ngồi bên cạnh tài xế như một số thông tin trên mạng.
Đại tá Trần Minh Thành, Trưởng công an Q.Bình Thủy, cho biết sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã yêu cầu trung úy Thành làm tường trình vụ việc. Qua đó đã xác định trung úy Thành xử lý vụ việc là đúng theo quy trình của lực lượng CSGT khi tuần tra kiểm soát.
Bà T.T.T.D (31 tuổi, quê Hà Nội, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) chửi bới, nắm cổ áo trung úy Nguyễn Quốc Việt (chiến sĩ của Đội CSGT Hàng Xanh, TP.HCM)
Về quy trình tuần tra kiểm soát, đại tá Thành cho biết: “Khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, nếu gặp người vi phạm có hành vi chống đối có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏa, tính mạng của người làm nhiệm vụ thì lực lượng tuần tra phải thông báo cho lãnh đạo biết để có kế hoạch xử lý như, kết hợp với CSCĐ, CSTT và công an phường nơi gần đó để có biện pháp ngăn chặn người vi phạm không để hành vi đáng tiếc xảy ra.
Gần đây, trung úy Nguyễn Quốc Việt (chiến sĩ của Đội CSGT Hàng Xanh, TP.HCM) chiều 17.7 khi đang điều tiết giao thông trên đường Ung Văn Khiêm (phường 25, Q.Bình Thạnh) cũng gặp tình huống bị xúc phạm khi bị bà T.T.T.D (31 tuổi, quê Hà Nội, ngụ Q.Thủ Đức) chửi bới, nắm cổ áo...

tin liên quan

Vi phạm giao thông còn túm áo, thóa mạ CSGT
Công an tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc Trịnh Thị Thùy Dương không chấp hành luật giao thông, gây kẹt xe, còn lớn tiếng chửi tục, lăng mạ, túm cổ áo CSGT.
“Lúc đó, khu vực này có dấu hiệu ùn tắc giao thông, khi phát hiện xe vi phạm chạy lấn làn, tôi đang đứng điều tiết, nên dùng dùi cui gõ nhẹ vào phần sau xe (không bị trầy xước, móp xe) nhắc nhở lưu thông đúng phần đường. Nhưng bất ngờ chị D. xuống xe lăng mạ tôi, chụp dùi cui, túm cổ áo… Hành động của chị D. nếu xảy ra với người đi đường nóng tính thì diễn biến có thể khó lường, nhưng đối với tôi thì khác bởi tôi đang mang màu áo CSGT. Lúc đó, tôi chỉ biết kiềm chế, giữ bình tĩnh để xử lý vụ việc cho đúng quy định của ngành. Bởi chị D. là phụ nữ, không sử dụng hung khí, hành động của chị D. cũng chưa đến mức phải khống chế. Sau đó, tôi có gọi cho đồng nghiệp hỗ trợ, mời chị D. về công an phường làm việc và chị này thừa nhận hành vi vi phạm”, trung úy Việt, chia sẻ.
Manh động hơn là vụ việc ông N.H.P (38 tuổi, ngụ Q.5) tấn công trung tá Bùi Minh Phước, Đội phó Đội CSGT Cát Lái vào chiều 8.4. Lúc đó, lực lượng của Đội CSGT Cát Lái thổi ông P. lại kiểm tra giấy tờ do chạy quá tốc độ nhưng ông bất hợp tác, chửi bới, tấn công lực lượng CSGT. Vụ việc diễn ra gần 30 phút gây bức xúc người đi đường.
Ông N.H.P tấn công trung tá Bùi Minh Phước, Đội phó Đội CSGT Cát Lái Ảnh cắt từ clip
Trung tá Bùi Minh Phước, cho biết: “Khi thổi lại, tổ CSGT thông báo lỗi chạy quá tốc độ, người này yêu cầu xem chứng cứ thì CSGT cũng đáp ứng nhưng người này bất hợp tác. Sau đó, người này liên tục lăng mạ CSGT thậm tệ, rồi rượt đuổi tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ nhưng tôi chỉ đạo anh em chỉ tránh né, tự vệ không được phản công. Do vụ việc càng diễn biến phức tạp nên tôi gọi cho công an phường và cảnh sát 113 hỗ trợ đưa về phường xử lý”.
Nâng cao văn hóa ứng xử
Cách đây vài năm, các trường hợp người vi phạm giao thông chống người thi hành công vụ xảy ra khá nhiều khiến Công an TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ chiến sĩ CSGT của Công an TP.HCM nâng cao văn hóa ứng xử.

Ngồi trên xe lăng mạ CSGT
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, người dân trong quá trình tham gia giao thông và tiếp xúc với lực lượng CSGT nói riêng, lực lượng chức năng đang thi hành công vụ nói chung cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật, tôn trọng người thực thi công vụ, hiệu lệnh, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, điều khiển giao thông của lực lượng CSGT.
Đồng thời người dân cần giữ thái độ bình tĩnh, kiềm chế trong quá trình tiếp xúc người thi hành công vụ. Mọi vấn đề liên quan đến CSGT, người tham gia giao thông có thể phản ánh đến lãnh đạo Phòng hoặc cao hơn. Lực lượng CSGT cam kết luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và sẵn sàng chấn chỉnh, xử lý các trường hợp CSGT vi phạm.
Theo một Phó cục trưởng Cục CSGT (C67), Bộ Công an, việc ứng xử của CSGT được quy định trong các cuộc vận động của Bộ về xây dựng tác phong, chuẩn mực của lực lượng này. Sau đó, từng đơn vị CSGT sẽ có kế hoạch riêng về xây dựng phong cách, tác phong thân thiện, văn minh, lịch sự của chiến sĩ CSGT.
“Đó là kế hoạch của Cục triển khai cho toàn bộ lực lượng CSGT trong quá trình ứng xử, đồng thời còn rút kinh nghiệm từ những vụ việc xảy ra mà báo chí, mạng xã hội thông tin. Từ đó, lực lượng CSGT đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở để giáo dục anh em", vị này nói.
Cũng theo vị này, trong các hội nghị của ngành thì lãnh đạo Cục cũng tuyên truyền cách làm hay của các chiến sĩ trong ứng xử để những người khác học tập, còn những việc làm chưa tốt thì thẳng thắn phê bình để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh.
Trong quy tắc ứng xử của lực lượng CSGT còn khuyến khích các chiến sĩ trong quá trình công tác phải tích cực hỗ trợ người dân. "Ví dụ như trong quá trình tuần tra, làm nhiệm vụ ở hiện trường thì khuyến khích lực lượng hỗ trợ người dân gặp nạn đi cấp cứu, hoặc gặp các trường hợp bất khả kháng như người bệnh mà phương tiện hư hỏng thì hỗ trợ hoặc ví như xe cấp cứu mắc kẹt giữa dòng phương tiện thì lực lượng phải tìm cách hỗ trợ làm sao để đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể để cứu chữa kịp thời", vị này cho biết thêm.
Đánh giá về cách ứng xử trong các vụ ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) và Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ), vị này khẳng định 2 chiến sĩ CSGT đã ứng xử kiên quyết, chuẩn mực.
Thế nào là hành vi chống người thi hành công vụ (?)
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết: “Theo quy định tại điều 257 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 và điều 330 BLHS năm 2015, Luật sửa đổi BLHS năm 2017, hành vi chống người thi hành công vụ là người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến bảy năm”
Đàm Huy (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.