CSGT ngại xử lý người nước ngoài vi phạm?

26/01/2019 07:43 GMT+7

Lâu nay, nhiều người đi đường chứng kiến người nước ngoài lái xe trên đường ở Việt Nam chạy bạt mạng, lấn làn, gây tai nạn... Trong khi CSGT ngại xử lý những trường hợp này, vì sao?

Ngày 19.1, có mặt tại cầu Sài Gòn (TP.HCM), PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng người nước ngoài lái xe máy chạy bạt mạng trong làn ô tô vẫn tiếp tục diễn ra như thách thức “thần chết”.

Phóng nhanh, chạy vào làn ô tô...

Lúc 15 giờ cùng ngày, một người đàn ông nước ngoài, không đội mũ bảo hiểm (MBH), lái xe máy BS 71B1-619.61, chạy hướng từ đường Điện Biên Phủ về xa lộ Hà Nội. Khi đến chân cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh), mặc dù nơi đây có biển cấm xe máy nhưng người này vẫn bất chấp nguy hiểm phóng bạt mạng vào làn ô tô.
Tiếp đó là xe máy của một người đàn ông nước ngoài khác chở một phụ nữ và một em bé (cả 3 đều không đội mũ bảo hiểm), cũng chạy vào làn ô tô. 16 giờ 30 cùng ngày, chúng tôi đến xa lộ Hà Nội, đường Thảo Điền (Q.2) và ghi nhận nơi đây cũng có hàng chục trường hợp người nước ngoài lái xe máy không đội MBH, chạy "vô tư" trên đường.
Người nước ngoài phóng xe máy bạt mạng trong làn ô tô trên cầu Sài Gòn (TP.HCM) ẢNH: ĐỨC TIẾN
Một người nước ngoài lái xe máy không đội MBH ở đường Thảo Điền (Q.2, TP.HCM)
Trước đó, khuya 11.1, một đôi nam nữ người nước ngoài chạy mô tô BS 59A3 - 117.91, hướng từ Q.Bình Thạnh về Q.Thủ Đức, vào làn đường dành cho ô tô trên cầu Sài Gòn và đã đâm vào xe của CSGT đang dừng để xử lý một vụ tai nạn xe máy chết người trên cầu Sài Gòn trước đó. Hậu quả, cả hai bị thương nặng.
Đáng nói là tình trạng người nước ngoài vi phạm giao thông như trên khá phổ biến nhưng việc xử phạt họ lại rất hiếm hoi.
Người nước ngoài phóng xe máy bạt mạng trong làn ô tô trên cầu Sài Gòn (TP.HCM) ẢNH: ĐỨC TIẾN
Ở Mũi Né (Bình Thuận), theo số liệu cuối năm 2018 của Sở VH-TT-DL Bình Thuận, cả năm có hơn 650.000 lượt khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng, tham quan; nhiều người sử dụng xe gắn máy, mô tô để đi lại.
Có ý kiến cho rằng nếu xử lý nghiêm người nước ngoài không có bằng lái xe máy thì ảnh hưởng sự thân thiện của môi trường du lịch. Nhưng tôi nghĩ sự thân thiện nằm ở chỗ ứng xử, cách xử lý của lực lượng CSGT khi giao tiếp, nhắc nhở, chứ không phải thấy vi phạm mà bỏ qua
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng
Theo chân tổ công tác của Công an TP.Phan Thiết tuần tra kiểm soát khu vực đường ven biển du lịch Mũi Né - Hàm Tiến, PV Thanh Niên chứng kiến nhiều vụ người nước ngoài vi phạm giao thông, nhưng việc xử lý của lực lượng CSGT - trật tự cũng rất “muôn hình vạn trạng”.
“Quá trình tuần tra kiểm soát tuyến đường du lịch, chúng tôi gặp nhiều trường hợp vi phạm là người nước ngoài. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: không có giấy phép lái xe, không đội MBH, chạy quá tốc độ; uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, xử lý các trường hợp người nước ngoài rất khó, chủ yếu là nhắc nhở. Nhưng cái khó nhất là bất đồng về ngôn ngữ”, đại úy Nguyễn Lưu Trung, Tổ trưởng Tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Công an TP.Phan Thiết, nói.

“Vờ” không hiểu tiếng Việt!

Theo một chiến sĩ thuộc Công an P.Mũi Né (TP.Phan Thiết, phối hợp cùng CSGT tuần tra), trình độ tiếng Anh của những người làm nhiệm vụ không giỏi nên khi kiểm tra người tham gia giao thông là du khách nước ngoài rất vất vả. “Hỏi bằng tiếng Anh, yêu cầu họ cho xem giấy tờ xe, giấy phép lái nhưng họ không nói gì, cứ đứng im hồi lâu... Chúng tôi cũng phải mời họ đi”, một CSGT cho biết.
Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng cũng cho hay, từ tháng 11.2018, Tổ chuyên đề xử lý người nước ngoài vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đã chính thức thành lập, có 4 cán bộ chiến sĩ, đủ khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, với nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, tuyên truyền hướng dẫn người nước ngoài chấp hành luật Giao thông đường bộ VN.
Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện “dở khóc dở cười”. Đầu tháng 12.2018, Tổ chuyên đề TP.Đà Nẵng dừng kiểm tra một người Nhật Bản điều khiển xe máy có dấu hiệu vi phạm trên đường Võ Nguyên Giáp (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Người này ra hiệu không biết tiếng Anh, trong khi lực lượng làm nhiệm vụ lại không biết tiếng Nhật nên mất cả giờ đồng hồ để giải thích, tuyên truyền, lập biên bản tạm giữ phương tiện. Sau khi tổ công tác gọi giúp taxi, người này lên xe thì lại... nói tiếng Việt rất “nhuyễn” với tài xế để thông báo điểm đến!
“Hiện nay, lực lượng chức năng gặp khó khi du khách không sử dụng tiếng Anh, nhất là khách từ các nước Trung Đông, Đông Bắc Á. Việc dùng phần mềm điện thoại phiên dịch, gọi điện thoại nhờ trợ giúp, sử dụng các mẫu giấy tờ để hướng dẫn… rất tốn thời gian. Một số du khách khối Liên minh Châu Âu (EU) vẫn hiểu nhầm về phạm vi sử dụng bằng lái của họ”, trung úy Nguyễn Trần Quang Vũ, cán bộ thuộc Tổ chuyên đề TP.Đà Nẵng, nói.
CSGT kiểm tra người nước ngoài tham gia giao thông tại khu vực biển Đà Nẵng ẢNH: NGUYỄN TÚ
CSGT kiểm tra người nước ngoài tham gia giao thông tại khu vực biển Đà Nẵng ẢNH: NGUYỄN TÚ
Chỉ nhắc nhở, không phạt để... tạo thân thiện?
Trả lời PV Thanh Niên về tình trạng người nước ngoài vi phạm luật Giao thông đường bộ ngày càng tăng, trung tá Đỗ Ngọc Liêm, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự Công an TP.Phan Thiết, cho biết trên địa bàn hai phường Mũi Né, Hàm Tiến hiện có gần 30 cơ sở cho thuê xe máy với hàng trăm xe. Việc cho khách Tây thuê xe máy đi “phượt” ở các cơ sở này rất dễ. Chỉ cần khách đưa card của khách sạn đang ở là có thể thuê được xe.
“Dù biết du khách vi phạm giao thông, nhưng lực lượng CSGT Phan Thiết chủ yếu giải thích cho họ biết về luật Giao thông đường bộ của VN, chứ ít khi xử phạt. Phan Thiết là thành phố du lịch, nên đối với khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài, chúng tôi chủ yếu nhắc nhở chứ không xử phạt, cũng để họ biết thành phố du lịch thân thiện, mến khách”, trung tá Liêm nói.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, cho biết sẽ làm việc với Công an TP.Đà Nẵng về các công tác phối hợp liên ngành, trong đó sẽ tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm các cơ sở cho người không có bằng lái thuê xe.
“Có ý kiến cho rằng nếu xử lý nghiêm người nước ngoài không có bằng lái xe máy thì ảnh hưởng sự thân thiện của môi trường du lịch. Nhưng tôi nghĩ sự thân thiện nằm ở chỗ ứng xử, cách xử lý của lực lượng CSGT khi giao tiếp, nhắc nhở, chứ không phải thấy vi phạm mà bỏ qua; tạo ra sự lộn xộn, ảnh hưởng ATGT khu vực du lịch”, ông Bình nói.
Cảnh sát Việt gặp cảnh sát nước ngoài
Đại úy Nguyễn Lưu Trung (Tổ trưởng Tổ tuần tra kiểm soát giao thông Công an TP.Phan Thiết, Bình Thuận) có thâm niên hơn 12 năm làm công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát giao thông tuyến du lịch ven biển Mũi Né. Đại úy Trung kể, nhiều khi dừng xe kiểm tra gặp nhiều “ông Tây” nồng nặc mùi bia rượu. “Khi đó phải nhỏ nhẹ, hướng dẫn họ đi sao cho không xảy ra tai nạn. Thậm chí phải chở họ về tận khách sạn. Có khi kiểm tra gặp du khách rút ra thẻ cảnh sát của Nga, của Ba Lan, Trung Quốc... Bị bất đồng ngôn ngữ, họ lấy ảnh trong máy điện thoại chụp hình họ mặc cảnh phục, đứng bên xe cảnh sát mục đích cho biết họ cũng là cảnh sát!
 
Vi phạm do... lạ đường và biển báo
Liên quan đến vấn đề người nước ngoài tham gia giao thông tại TP.HCM, trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) - Công an TP.HCM, cho biết: Thời gian qua người nước ngoài đến TP.HCM gia tăng, một số người nước ngoài vi phạm giao thông khi điều khiển xe.
Theo trung tá Phong, đa phần người nước ngoài có ý thức chấp hành luật lệ giao thông tốt, tuy nhiên do lạ đường và biển báo nên họ thường mắc phải những lỗi thông thường. CSGT đã phối hợp với các cơ quan ngoại giao các nước tại TP.HCM để thông báo cũng như tuyên truyền luật giao thông đường bộ VN đến với người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại TP.
Đặc biệt mới đây, CSGT thông qua chương trình phát MBH trên các tuyến đường đã được nhiều người nước ngoài ủng hộ và thông qua đó, CSGT sẽ tuyên truyền về luật giao thông đến với họ. Thời gian tới, PC08 sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan làm nhiều chương trình thực tiễn để tiếp cận người nước ngoài, giúp họ hiểu luật giao thông và đảm bảo an toàn khi tham gia lưu thông trên đường.
Công Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.