CSGT gắn camera khi tuần tra, làm sao để khách quan, minh bạch ?

09/12/2019 05:43 GMT+7

Bạn đọc ủng hộ lực lượng CSGT trang bị camera khi tuần tra , xử lý vi phạm, nhưng cũng lưu ý việc bố trí camera như thế nào để đảm bảo minh bạch, khách quan cho cả hai phía: CSGT và người bị xử lý.

Như đã thông tin (https://thanhnien.vn/doi-song/csgt-tphcm-gan-camera-thoi-phat-de-nguoi-dan-khong-dua-hoi-lo-1156762.html), sau một tháng đặt câu hỏi về tác dụng, hiệu quả của camera CSGT đeo trên ngực khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, Thanh Niên mới nhận được câu trả lời từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) vì đợi cho đúng... quy trình phát ngôn. Theo đó, PC08 cho biết việc CSGT mang theo camera tuần tra mini gắn trên ngực là phù hợp với Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ. Khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, CSGT đeo camera nhằm giám sát an ninh và thể hiện tính công khai, khách quan của lực lượng. Việc gắn camera trước ngực giúp lực lượng này có thể ghi hình chính xác các trường hợp vi phạm, hạn chế người vi phạm không thừa nhận hoặc lẩn trốn khi bị phát hiện, góp phần giảm bớt các trường hợp vi phạm nhưng chống đối CSGT. Đồng thời, camera này cũng nhằm để theo dõi, giám sát và xác định được trách nhiệm của lực lượng CSGT khi thi hành công vụ.
Những hình ảnh ghi nhận từ các camera sẽ được quản lý, lưu trữ tại chính các đơn vị này để làm tư liệu hoặc chứng cứ phục vụ cho công tác xử lý vi phạm.

Hoàn toàn ủng hộ

Phải gắn camera trước xe công vụ và mọi hoạt động của CSGT đều diễn ra trước camera này để đảm bảo khách quan cũng như không gây khó khăn cho họ khi tác nghiệp.

Chí Cường (TP.HCM)

Bạn đọc (BĐ) rất đồng tình, ủng hộ lực lượng CSGT trang bị camera khi tuần tra, xử lý vi phạm. "Rất ủng hộ việc trang bị camera cho toàn bộ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Bên cạnh giúp lực lượng này làm việc nghiêm túc và giữ được hình ảnh trong nhân dân, việc gắn camera còn giúp hạn chế tình trạng vi phạm giao thông của người dân; tránh những tình huống tranh cãi không đáng có giữa người thi hành công vụ và người vi phạm như thời gian vừa qua", BĐ Thiên Minh (Đà Nẵng) bày tỏ.
Đồng quan điểm, BĐ Hoàng Sơn (Hà Nội) viết: "Người dân vô cùng vui mừng khi nhà nước trang bị camera cho CSGT như vậy sẽ làm bằng chứng để truy bắt những kẻ chống đối và chống tiêu cực trong CSGT". Còn BĐ Hoàng Thiên Vương (TP.HCM) thì đề nghị: "Ủng hộ phương pháp này. Đề nghị mở full ca trực, dữ liệu lưu trong 30 ngày (để phục vụ cho việc khiếu nại - tố cáo nếu có)... chứ không thể chấp nhận chuyện làm việc với dân thì mới mở".

Nên gắn ở đâu ?

Nên dùng loại camera có thể kết nối và truyền dữ liệu trực tiếp về trung tâm để đảm bảo tính minh bạch.

Trúc Ly (Đà Nẵng)

Bên cạnh việc ủng hộ trang bị camera cho CSGT khi làm nhiệm vụ, nhiều BĐ cũng có ý kiến nên bố trí camera sao cho khách quan nhất, ghi âm ghi hình cả người được cho là vi phạm và cả người thi hành công vụ. "Vấn đề là cách chúng ta sử dụng và bố trí camera như thế nào cho hợp lý, khách quan. Theo tôi tốt nhất là học hỏi CSGT các nước tiên tiến, camera được lắp trong xe (đối với ô tô) và trước đầu mô tô, mở suốt ca trực, không gắn trên nón hay đeo trước ngực. Khi có sự việc xảy ra, CSGT và người vi phạm ra đứng trước camera để xử lý, vừa minh bạch vừa làm căn cứ để xử lý các hành vi chống đối nếu có", BĐ Trúc Tùng (TP.HCM) ý kiến.
BĐ Dân Việt (TP.HCM) thì lo lắng: "Mấy camera đó quay được có một tiếng đồng hồ và CSGT có bật không? Vị trí trên áo vậy có ghi được hết không? Nên làm theo như nước ngoài đặt camera trong xe cảnh sát quay toàn cảnh 24/24, quang minh chính đại ra trước đầu xe mà làm việc".
Trong khi đó, BĐ Đức Minh (Hà Nội) nêu ý kiến: "Người dân chúng tôi rất ủng hộ việc CSGT gắn camera thổi phạt khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, cần có đơn vị riêng biệt quản lý dữ liệu của các camera này nhằm tránh tự ý can thiệp vào nội dung dữ liệu. Ngoài ra, có thể sử dụng các camera hiện đại, tự động ghi âm ghi hình và chuyển dữ liệu về thẳng đơn vị quản lý giám sát. Lực lượng CSGT trong ca trực không được can thiệp vào các camera này".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.