Covid-19 mối nguy từ biên giới phía nam

24/04/2021 05:59 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam , Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 , chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 10 tỉnh, thành có đường biên giới giáp Campuchia.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Campuchia, sáng 23.4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 10 tỉnh, thành có đường biên giới giáp Campuchia để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Chiều 23.4: Thêm 6 ca Covid-19 tại TP.HCM, Đà Nẵng, BR-VT, An Giang và Khánh Hòa

Tình hình nhập cảnh qua biên giới phức tạp

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh việc kiểm soát được khu vực biên giới là yếu tố quyết định đến công tác phòng, chống dịch của tỉnh, nhất là sau khi  Campuchia công bố “sự kiện cộng đồng”. Tỉnh đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, bổ sung lực lượng cho các chốt kiểm soát. Từ 30 tổ phòng chống dịch, hiện tỉnh tăng lên 128 chốt, tổ phòng chống dịch trên bộ và khu vực bờ biển với hơn 1.000 lực lượng thường xuyên, luân phiên trực 24/7. Về biên giới biển, tỉnh huy động 9 tàu và 3 ca nô cao tốc tổ chức kiểm soát trên biển. Ngoài lực lượng chủ lực là bộ đội biên phòng, tỉnh còn tăng cường lực lượng công an và điều động thêm 200 dân quân tự vệ từ tuyến sau lên hỗ trợ cho khu vực biên giới.

Không vì một vài cá nhân mà gây họa cho cả nước

Tại buổi làm việc với các tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia sáng 23.4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trường hợp nào cố tình nhập cảnh trái phép thì phải xử lý nghiêm bởi thực tế thời gian qua nhiều người nhập cảnh trái phép dương tính với Covid-19. Càng trốn lâu thì xử lý thật nặng, nhất là những người làm lây nhiễm ra cộng đồng, không vì một vài cá nhân mà gây họa cho cả nước”.
Tuy nhiên, theo ông Trung, Kiên Giang có đến 200 km bờ biển, 63.000 km2 diện tích bờ biển, hằng ngày có hàng ngàn tàu cá, dịch vụ hậu cần và nhiều loại tàu khác hoạt động trên vùng nước lịch sử giáp với Campuchia ngày đêm là điều kiện thuận lợi cho đường dây tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép bằng đường biển nên việc kiểm soát biên giới của tỉnh rất khó khăn.
Nhận định thời gian tới kiều bào ở Campuchia sẽ về nước với số lượng lớn, tình hình nhập cảnh qua biên giới sẽ phức tạp, tỉnh Kiên Giang đang gấp rút xây dựng mới và mở rộng các khu cách ly tập trung hiện có tại TP.Hà Tiên, nâng khả năng thu dung cách ly tập trung lên 2.350 người; kích hoạt các khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố phía sau để sẵn sàng tiếp nhận cách ly tập trung trong tình huống lượng người nhập cảnh nhiều, vượt khả năng tiếp nhận của Hà Tiên. Tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch thiết lập bệnh viện (BV) dã chiến quy mô từ 300 - 500 giường tại TP.Hà Tiên, với sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia BV Chợ Rẫy.
Từ ngày 20.2 đến nay có hơn 1.340 người nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Các lực lượng chức năng phát hiện 36 vụ nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh với 160 đối tượng. Trong đó, địa bàn có số vụ nhập cảnh trái phép cao nhất là TP.Hà Tiên (17 vụ, 42 người) và TP.Phú Quốc (13 vụ, 77 người).

Sáng 24.4: Thêm 2 ca Covid-19 tại Yên Bái, Thái Bình

Nhiều trường hợp chạy dịch từ Campuchia về không có địa chỉ

Tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết việc tăng cường kiểm soát biên giới đang được triển khai nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khó khăn cần được các bộ, ngành tháo gỡ là trên địa bàn tỉnh đang có 6 hộ dân với 23 người từ Campuchia về, tỉnh đã hoàn thành cách ly nhưng trong tình trạng vô gia cư, chờ rất lâu mà không thể cấp thẻ cư trú và hỗ trợ chế độ bảo trợ xã hội. Khu vực biên giới thuộc các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng sẽ có nhiều trường hợp chạy dịch từ Campuchia rất nghèo không có địa chỉ, bà con.

Tây Ninh liên tục bắt giữ người nhập cảnh trái phép

Ngày 23.4, BĐBP Tây Ninh phát hiện 2 vụ, bắt giữ 3 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Khoảng 6 giờ 30 cùng ngày, chiến sĩ BP làm nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 số 8 (thuộc Đồn BP Tân Hà, H.Tân Châu) bắt giữ Phạm Văn Độ (47 tuổi, ngụ H.Tân Châu) nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đến 14 giờ 30 cùng ngày, tại chốt chống dịch số 2 (Đồn BP Tân Phú, H.Tân Biên), lực lượng BP bắt giữ thêm Trần Văn Trung (23 tuổi), Trần Tuấn Hải (21 tuổi, cùng ngụ Nam Định) nhập cảnh trái phép. Bước đầu, cả 2 khai nhận đã băng rừng để nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Ban Chỉ huy hai đồn BP Tân Hà và Tân Phú đang hoàn tất hồ sơ để bàn giao 3 người này cho cơ quan chức năng đưa đi cách ly và xử lý theo quy định.    G.P
Còn ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho hay nguy cơ lây lan dịch bệnh vào An Giang từ 100 km biên giới của tỉnh giáp ranh với 2 tỉnh Takeo và Kandal của Campuchia là rất cao. Qua thống kê, có khoảng 28.000 người Campuchia gốc Việt đang sinh sống tại 2 tỉnh giáp ranh với tỉnh An Giang, trong đó có khoảng 22.000 người quê gốc tại An Giang. Trong số các ca nhiễm Covid-19 bên nước bạn thì 2 tỉnh Takeo, Kandal có gần 600 ca, tình hình dịch phức tạp nên mong muốn của người Việt bên nước bạn là về Việt Nam sinh sống.
Từ đầu mùa dịch đến nay tỉnh tiếp nhận xuất nhập cảnh hơn 5.300 người, trong đó xuất nhập cảnh trái phép hơn 1.700 người. Riêng từ ngày 25.2 đến nay, An Giang tiếp nhận hơn 600 người nhập cảnh trái phép. Tính đến sáng 23.4, tỉnh An Giang có thêm 1 ca dương tính với
Covid-19 là người nhập cảnh từ Campuchia trở về, nâng số ca nhiễm Covid-19 của tỉnh từ ngày 15.4 đến nay là 3 ca. Hiện tỉnh đã xây dựng các kịch bản phòng chống dịch theo tình hình mới, xây dựng kế hoạch đón tiếp công dân trở về nước và phát động phong trào toàn dân chống dịch.
Theo ông Phước, tỉnh tổ chức hơn 200 tổ, chốt với hơn 1.500 chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng để chốt chặn biên giới phòng dịch Covid-19. “An Giang có đường biên giới giáp Campuchia kéo dài, tỉnh kiến nghị T.Ư chỉ đạo các tỉnh phía sau chuẩn bị khu cách ly sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ An Giang tiếp nhận cách ly trong trường hợp người dân từ Campuchia ồ ạt trở về; hỗ trợ An Giang sớm xây dựng BV dã chiến, nâng cao năng lực xét nghiệm... An Giang xin đề nghị với Phó thủ tướng không thực hiện tiếp nhận công dân các nước trở về từ các chuyến bay. Bởi hiện các lực lượng của tỉnh tập trung phòng, chống dịch và quản lý biên giới nếu tiếp nhận các đối tượng này thêm nữa thì tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Phước nói.

Tây Ninh, Bình Phước siết chặt đường biên

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, thông tin hiện tỉnh đang xác định là địa bàn có nguy cơ cao về dịch Covid-19 vì có hơn 240 km đường biên giới giáp Campuchia. Hiện bình quân tỉnh tiếp nhận, cách ly khoảng
20 người về từ Campuchia/ngày. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh bắt giữ 140 vụ với 408 người nhập cảnh trái phép, trong đó có 65 người quốc tịch nước ngoài. Qua đó đã khởi tố 20 vụ, với 59 bị can và đã đưa ra xét xử 8 vụ, 28 bị can. Ông Hùng đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ các tỉnh biên giới trọng yếu giáp Campuchia để quản lý tốt biên giới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trước tình hình này, UBND tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu lực lượng bảo vệ biên giới tăng cường kiểm soát, quản lý chặt tuyến biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, trong đó đặc biệt cảnh giác cao độ tại các đường mòn, lối mở.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước đã phối hợp với lực lượng dân quân, công an duy trì 62 tổ, chốt phòng dịch cố định và 11 tổ lưu động thực hiện tuần tra, kiểm soát liên tục 24/7 với hơn 1.243 lượt chốt chặn, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép tại các cửa khẩu và đường mòn, lối mở.
Đại úy Lại Anh Vũ, chính trị viên phó Đồn BP cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, BĐBP Bình Phước, cho biết đã cử những cán bộ người địa phương am hiểu phong tục tập quán để xuống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền cho người dân nắm được tình hình, diễn biễn dịch bệnh phức tạp ở nước bạn. Từ đầu năm 2021 đến nay, BĐBP Bình Phước đã phát hiện, bắt giữ, đưa đi cách ly và xử lý 82 vụ/206 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.
Covid-19 mối nguy từ biên giới  phía nam

Lực lượng Biên phòng Tây Ninh tuần tra trên tuyến biên giới

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Xử lý nghiêm người tổ chức, người nhập cảnh trái phép

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đặc điểm biên giới các tỉnh phía nam giáp Campuchia địa hình đồng bằng, sông nước, rất khác với biên giới đồi núi phía bắc. Đồng thời, sắp tới khu vực này sẽ vào mùa mưa nên ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Campuchia phức tạp trong khi nước ta đang thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch nên người Việt Nam tại Campuchia luôn có tâm lý mong muốn về nước.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các tỉnh biên giới giáp Campuchia cần quản lý chặt tuyến biên giới, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép và tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Cần tuyên tuyền, đối với các trường hợp người dân vì hoàn cảnh, thật sự muốn về nước thì phải khai báo với cơ quan chức năng để tiếp nhận, cách ly. “Các trường hợp về nước bằng đường biển cũng vậy. Phải thông báo cho các trường hợp từ nước ngoài đi tàu về liên hệ gia đình và cơ quan chức năng trước để chúng ta tổ chức đón vào bờ, đối xử như nhập cảnh hợp pháp để đưa bà con đi cách ly, hỗ trợ y tế”, ông Đam chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh không được thu phí cách ly và xét nghiệm đối với các công dân nhập cảnh bằng đường bộ và đường biển trở về Việt Nam, bởi những người về bằng đường bộ đa số hoàn cảnh rất khó khăn. Việc này giúp cho người dân trở về hợp tác, tránh trường hợp trốn cách ly, lây lan mầm bệnh cho cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.