Công trình sai phép cho tồn tại, chỉ khởi tố doanh nghiệp?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/09/2019 06:43 GMT+7

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải có đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng thực tiễn thì việc sửa luật Xây dựng tới đây mới giải quyết được những tồn tại, bất cập lâu nay trong lĩnh vực này.

* Hơn 335.000 tỉ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Các quy định liên quan tới cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng (TTXD) là một trong những nội dung quan trọng mà Chính phủ đề xuất sẽ sửa đổi trong luật Xây dựng dự kiến sẽ trình ra QH tại kỳ họp 8 (tháng 10 tới).
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nêu ý kiến tại phiên họp  Gia Hân

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nêu ý kiến tại phiên họp

Gia Hân

Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 18.9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay, Chính phủ dự kiến sửa đổi 10 điều liên quan tới cấp giấy phép xây dựng, trong đó có việc rà soát công trình được miễn giấy phép, rút ngắn thời gian cấp phép, đồng thời bổ sung quy định về quản lý TTXD...

Dân đổ một đống cát có người đến ngay...

Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT Phan Xuân Dũng đánh giá, hiện quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp phép còn dài, còn tình trạng vi phạm TTXD, không phép, sai phép; trong khi đó việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi làm còn chưa quyết liệt, triệt để.
Từ đó, Thường trực Ủy ban KHCN-MT tán thành với đề xuất trong dự án luật, song đề nghị rà soát quy định xử lý vi phạm TTXD và làm rõ quy định trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng, tránh bị lạm dụng. Thường trực Ủy ban KHCN-MT đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về quản lý TTXD vì luật hiện hành đã có; hơn nữa, thực tế cho thấy tồn tại, hạn chế trong quản lý TTXD phần lớn là do thiếu kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện.
Có những công trình sai phép trong thời gian dài nhưng vẫn cho tồn tại, đến khi xử lý lại chỉ khởi tố doanh nghiệp. Bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, tiếp tay thì sao?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Nhiều thành viên UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo “nhìn sâu hơn một chút để sửa luật tốt hơn”. Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nói rằng, hiện nay thời gian thẩm định, cấp phép rất lâu nhưng vẫn tạo ra những khu đô thị, khu dân cư “thiếu nước nhưng lại ngập úng”, “cháy thì không chữa được”.
Theo ông Túy, cần phải tập trung sửa quy định để khắc phục tồn tại lâu này, đáp ứng thực tiễn, “để khi luật ra ai cũng phải thực hiện” chứ cứ như cũ thì không giải quyết được vấn đề.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn lại hàng loạt tồn tại trong công tác cấp phép, quản lý TTXD và đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ, rõ ràng rồi mới đề nghị sửa luật. “Có những công trình sai phép trong thời gian dài nhưng vẫn cho tồn tại, đến khi xử lý lại chỉ khởi tố doanh nghiệp. Bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, tiếp tay thì sao? Đổ một đống cát trước cửa là có người đến hỏi ngay, nhưng công trình lớn sai phạm thì vẫn ngang nhiên tồn tại”, bà Nga nói.

Nên đi theo hướng bà con cần

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về tờ trình đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ 2021 - 2030. Theo đó, Chính phủ dự kiến sẽ huy động số vốn thực hiện tối thiểu là 335.421,367 tỉ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển: 290.959,364 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 9.462,003 tỉ đồng; vốn tín dụng chính sách: 35.000 tỉ đồng) triển khai 9 dự án và các nhiệm vụ liên quan. Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đánh giá, nếu đề án được thông qua thì sẽ mang tính lịch sử vì lần đầu tiên có đề án tổng thể để phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng đề án đặt ra nhiều mục tiêu quá tham vọng nên đề nghị cần rà soát kỹ để khả thi, cụ thể, đi vào cuộc sống, tránh đưa đề án mà thực hiện không được như mong muốn.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cũng cho rằng, nhiều mục tiêu của đề án có khi 30 - 40 năm sau chưa làm được chứ chưa nói là trong 5 - 10 năm tới. “Tôi cảm nhận là đề án này chưa sát bà con. Nên đi theo hướng bà con cần gì thì mình chăm lo cái đó, đi từ nhỏ tới lớn, chứ không phải đưa ra đề án lớn thế này mà không biết hiệu quả thế nào. Rồi 5 - 10 năm sau, lớp sau bảo mấy ông này ra đề án lung tung mà không làm được”, ông Việt nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị ngoài việc tập trung, có trọng tâm, trọng điểm thì điều quan trọng là đề án phải phân cấp mạnh. "Bài học của chúng ta vừa qua là phân tán các chương trình nên đi xuống là tản mạn, không hiệu quả. Cho nên, trên này (T.Ư - PV) lo chính sách, nguồn vốn; còn để địa phương thực hiện thì sẽ rõ hơn", ông Hải nói, đồng thời đề nghị kèm với phân cấp thì xác định rõ trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.