Công tác phát triển thanh niên đã trở thành xu thế chung toàn cầu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/03/2018 07:47 GMT+7

Việt Nam xếp thứ 152/183 quốc gia về sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị, theo Báo cáo đánh giá chỉ số phát triển thanh niên 2016.

Thông tin nêu trên được tiến sĩ Hoàng Xuân Châu, Trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thanh niên đưa ra tại hội thảo "Sửa đổi luật Thanh niên theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên", do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và T.Ư Đoàn tổ chức chiều 28.3.
Ông Châu cho biết, Báo cáo đánh giá chỉ số phát triển thanh niên 2016 (2016 Global Youth Development Index) là báo cáo mới nhất về sự phát triển thanh niên toàn cầu do Ban thư ký Thịnh vương chung thực hiện và công bố.
Báo cáo được xây dựng dựa trên bộ chỉ số phát triển thanh niên (Youth Development Index) bao gồm 18 chỉ số đo lường sự tiến bộ của phát triển thanh niên trong 5 lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên: 1. Giáo dục; 2. Sức khỏe và hạnh phúc; 3. Việc làm và cơ hội; 4. Sự tham gia đời sống chính trị; 5. Sự tham gia đời sống công dân.
Trong đó, mỗi lĩnh vực được đo đếm bằng 2-6 chỉ số khác nhau, sử dụng dữ liệu chung toàn cầu.
Theo báo cáo này, tổng thể Việt Nam xếp hạng thứ 87/183 quốc gia về chỉ số phát triển thanh niên với điểm số trung bình là 0,633.
Trong đó, về giáo dục, Việt Nam xếp thứ 76, về sức khỏe và hạnh phúc xếp thứ 50, về việc làm và cơ hội xếp thứ 84 và sự tham gia đời sống công dân (dân sự) xếp thứ 86/183 quốc gia.
"Đương nhiên, báo cáo này chỉ đánh giá dựa trên những số liệu mà họ có được, song đây cũng là con số giúp chúng ta suy nghĩ, trăn trở về việc làm thế nào để phát triển thanh niên", ông Châu nói thêm.
Ông Châu cũng cho hay, theo báo cáo này, công tác phát triển thanh niên đã trở thành xu thế chung toàn cầu và đang diễn ra ngay cả ở những nước chậm phát triển. Trong số 183 quốc gia được xem xét trong báo cáo, có 142 quốc gia đã cải thiện điểm số phát triển thanh niên của mình từ 2010 - 2015.
Từ đó, ông Châu và nhóm nghiên cứu đề xuất, việc sửa đổi luật Thanh niên 2005 trong thời gian tới cần phải được tiếp cận theo hướng phát triển thanh niên và phải coi đây là mục đích hàng đầu của bộ luật này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.