Công nhân xử nhau bằng dao xẻ cá

13/02/2012 03:38 GMT+7

Nhiều công ty chế biến thủy sản tại Cần Thơ đã cho phép công nhân mang dao xẻ cá về nhà sau giờ làm. Hàng loạt vụ án nghiêm trọng đã xảy ra liên quan tới tình trạng này.

Hiện trên địa bàn TP.Cần Thơ có trên 20 công ty, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với gần 20.000 công nhân; hơn 40% trong số này là thanh niên.

Khi vào làm việc tại các phân xưởng, công nhân được cấp cho con dao nhọn và bén dùng để xẻ thịt (phi lê) cá. Nhiều phân xưởng giao cho công nhân tự bảo quản dao, hết giờ thì mang về nhà cất giữ và tự mài trước khi vào ca. Nếu để phân xưởng quản lý thì trước giờ vào ca phải đem hàng trăm cây dao ra mài, mất thời gian. Chính việc buông lỏng quản lý trên, thời gian qua, tại Cần Thơ đã xảy ra nhiều vụ trọng án.


Công nhân dùng dao để phi lê cá tại xưởng chế biến thủy sản - Ảnh: Mai Trâm

Theo số liệu thống kê của PC45, Công an TP.Cần Thơ, trong 2 năm (2010, 2011) đã có 6 vụ giết người bằng dao xẻ cá (chưa kể các vụ cố ý gây thương tích do quận, huyện thụ lý). Gần đây nhất, tối 29.10.2011, Phan Hoàng Vinh, Trần Hà Phương và Nguyễn Văn Khương làm việc tại phân xưởng phi lê cá thuộc Công ty CP thủy sản Miền Nam, KCN Trà Nóc, sau khi hết giờ làm việc đã vào quán Tùng Xí (Q.Ô Môn) nhậu. Trong lúc nhậu, bàn của Vinh có mâu thuẫn với anh Nguyễn Minh Hậu đang nhậu bàn kế bên. Khi ra về, đến gần chỗ đậu xe thì hai bên tiếp tục cự cãi dẫn đến đánh nhau, Vinh và Phương liền chạy đến chỗ đậu xe lấy 2 con dao phi lê cá để trong túi vải rượt đâm nhiều nhát làm anh Hậu chết tại chỗ.

Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 11.4.2011, PC45, Công an TP.Cần Thơ nhận được tin báo tại khu vực Thới Lợi, P.Phước Thới, Q.Ô Môn xảy ra vụ giết người. Nạn nhân là anh Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1980) bị đâm 2 nhát vào vùng lưng, chết trên đường đi cấp cứu. Qua điều tra, PC45 bắt khẩn cấp đối tượng Thái Huỳnh Tài (SN 1990). Theo khai nhận, Tài và Hiếu cùng làm công nhân tại Công ty chế biến, xuất khẩu cá ba sa Biển Đông, KCN Trà Nóc. Chiều 11.4.2011, sau khi hết giờ làm, Tài, Hiếu cùng một số bạn rủ nhau đi nhậu. Trong khi nhậu, Hiếu và Tài xảy ra cự cãi rồi Hiếu xông vào đánh Tài. Tài chạy ra xe lấy dao (loại dao phi lê cá) để trong cốp xe đuổi theo đâm chết Hiếu.


Phan Hoàng Vinh bị bắt sau vụ giết người

Công cụ lao động hay hung khí?

Theo trung tá Huỳnh Thanh Cần, Phó trưởng Công an Q.Ô Môn, hiện trên địa bàn quận (KCN Trà Nóc 2) có 9 cơ sở chế biến thủy sản với hàng ngàn công nhân. Từ việc buông lỏng quản lý loại dao nhọn dùng để phi lê cá, trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích... Từ đầu năm 2012, Công an Q.Ô Môn và chính quyền đã cho mời 9 đơn vị chế biến thủy sản đến để cảnh báo tình trạng trên; đồng thời yêu cầu tập trung quản lý tất cả các dao phi lê cá sau giờ làm việc.

Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng công an Q.Thốt Nốt (địa bàn có trên 1.000 công nhân chế biến thủy sản), cũng cho biết đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát. "Không thể để hàng ngàn công nhân tự cất giữ dao khi ra khỏi nơi làm việc. Công cụ lao động dễ trở thành hung khí giết người nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn", đại tá Thọ nói.

Buộc thôi việc

Ông N.V.M (Giám đốc một công ty có gần 300 công nhân chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại KCN Trà Nóc) cho biết dù tại công ty chưa xảy ra việc công nhân dùng dao phi lê cá để gây án, nhưng qua cảnh báo của cơ quan chức năng, ông thấy rõ việc để công nhân tự bảo quản “công cụ lao động” mang về nhà sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo ông, do suốt ngày tiếp xúc với máu cá nên công nhân dễ manh động khi có mâu thuẫn. Vì thế, từ đầu năm 2012, công ty đã yêu cầu các phân xưởng tổ chức thu gom, cất giữ công cụ lao động theo từng tổ sản xuất sau khi hết ca. Hôm sau, buộc công nhân phải vào sớm 15 phút để mài dao. "Nếu phát hiện công nhân nào tự ý mang dao khỏi nơi sản xuất mà trên đường bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ buộc thôi việc", ông M. nói.

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.