Công nhân ngủ 'lều', sản xuất giữa tâm dịch Covid-19

Thu Hằng
Thu Hằng
04/06/2021 09:31 GMT+7

Từ ngày 2.6, nhiều doanh nghiệp trong KCN tại Bắc Ninh và Bắc Giang bắt đầu trở lại làm việc. Để duy trì hoạt động sản xuất và đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 , công nhân phải ăn, ngủ tại nhà máy.

15 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Hơn 10 năm làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh, chị Trịnh Thị Chung (37 tuổi, quê Phú Thọ) chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ phải ở lại công ty 24/24 giờ. Đêm 1.6, chia tay 2 con nhỏ, chị Chung và hơn 1.500 công nhân xách ba lô vào “ngôi nhà chung” chuẩn bị tinh thần “3 tại chỗ” trong 15 ngày.
Giải pháp cho công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy được UBND tỉnh Bắc Ninh triển khai bắt đầu từ 2.6. Đây là mô hình chưa có tiền lệ, nhưng ở thời điểm này được xem là biện pháp an toàn trong tình hình dịch bệnh phức tạp, khi Bắc Ninh có tới 89% ca nhiễm Covid-19 xuất phát từ cộng đồng.
Chị Chung chia sẻ: “Đã là công nhân thì ai cũng phải làm ca đêm, nhưng ăn, ngủ, nghỉ tại chỗ thì có lẽ đây sẽ là trải nghiệm đáng nhớ suốt đời. Nhiều anh chị em không dám đăng ký đi làm, sợ vào công ty ăn, ngủ, làm việc tập trung có khi bị lây bệnh. Đêm đầu tiên mình ngủ “lều”, lạ nhà, cộng với tâm trạng lo lắng cũng hơi khó ngủ. Đến ngày thứ 2, mọi việc đều ổn, trong này điều hòa mát lạnh, ngủ ngon còn hơn ở nhà”.
Theo chị Chung, những công nhân vào công ty làm việc sẽ phải ăn, ở, làm việc trong nhà máy 15 ngày, sau đó sẽ được đổi ca. Mỗi người được công ty cấp 2 bộ quần áo bảo hộ mới, màn, thảm, dầu gội, sữa tắm…
“Ban đầu cũng có một số “trục trặc“ như: không có mạng wifi, thiếu ổ cắm điện, giờ ăn, ngủ, tắm giặt… cũng được sắp xếp lại cho hợp lý. Đến nay, tâm lý của mọi người đều phấn chấn, ai cũng động viên nhau phải lạc quan, cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi vẫn có việc làm, an toàn và có thu nhập đó là điều may mắn”.

Sáng 4.6: Thêm 52 ca Covid-19 trong nước tại Hà Nội và 3 tỉnh khác

Ngoài trang bị cơ sở vật chất thiết yếu cho công nhân, ông Hồ Sỹ Lĩnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Foster Bắc Ninh, cho biết công ty còn hỗ trợ mỗi công nhân 150.000 đồng/ngày, hỗ trợ 3 bữa ăn/ngày và giặt quần áo cho công nhân.
Ngay sau khi có chủ trương cho công nhân lưu trú tại nhà máy để phòng dịch, nhiều doanh nghiệp (DN) trong KCN VSIP (H.Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng đã trang bị lều cho công nhân. Khu vực xưởng sản xuất trở thành nơi ở.
Chị Hồng Hạnh, nhân viên một công ty điện tử trong KCN VSIP, chia sẻ: “Để đảm bảo riêng tư cho NLĐ, công ty đã mua rất nhiều lều cá nhân, bố trí lắp đặt rất khoa học. Khu sinh hoạt của công nhân cũng có đầy đủ các tiện ích như wifi, điều hoà, máy lọc không khí, máy vắt quần áo. Công ty cũng lo bữa ăn miễn phí, đồng thời hỗ trợ thêm các công nhân làm việc tại nhà máy 100.000 đồng/ngày và 100.000 đồng tiền điện thoại”.

Việt Nam tiếp cận gần 125 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021

Vừa duy trì sản xuất, vừa đánh “giặc” Covid-19

Theo ông Nguyễn Thế Quyết, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 3.6, đã có 504 doanh nghiệp với hơn 100.0000 công nhân trong KCN đăng ký đi vào hoạt động sản xuất. Trước khi trở lại làm việc, tổ kiểm tra an toàn Covid-19 của tỉnh đã phải kiểm tra, làm việc rất nhiều lần để đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho NLĐ.
Để khích lệ tinh thần làm việc của công nhân, nhiều DN còn hỗ trợ thêm cho công nhân thấp nhất là 80.000 - 130.000 đồng/ngày. Ngoài ra, các DN còn hỗ trợ tiền ăn tăng thêm từ 5.000 - 8.000 đồng/bữa.
Về phía NLĐ, công nhân sẽ phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào nhà máy làm việc, đồng thời phải cam kết ở lại làm việc, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của các cơ quan chức năng (trừ trường hợp đặc biệt). Khi hết 15 ngày, công nhân khi quay trở về nhà trọ quản lý tương tự như F2.
Ông Quyết thông tin: “Các DN đều chuyển đổi công năng hội trường, nhà ăn, khu vực sản xuất thành chỗ ăn, ở cho công nhân. Ban đầu công nhân lo ngại điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, không an toàn. Tuy nhiên, khi DN lắp đặt hệ thống lều ngủ thông thoáng, có điều hòa nhiệt độ mát mẻ, phòng tắm có vách ngăn, nhà vệ sinh lưu động… công nhân đăng ký rất đông”.
Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn, các DN chỉ được phép đưa vào hoạt động từ 1/3 - 1/2 quân số, những người còn lại sẽ đổi ca sau 15 ngày.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết trên địa bàn tỉnh có 10 KCN tập trung và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 450.000 công nhân. Việc bố trí công nhân lưu trú làm việc tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh góp phần bảo vệ nhà máy, bảo vệ công nhân, duy trì sản xuất. Từ đó, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ và triển khai kế hoạch sản xuất của nhà máy, cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong KCN có dịch xảy ra trên diện rộng.
Tại tỉnh Bắc Giang, ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh này, cho hay hiện đã có 4 DN đi vào hoạt động và 10 DN đủ điều kiện đi vào hoạt động trong những ngày tới. NLĐ trở lại nhà máy làm việc khi đáp ứng các tiêu chuẩn như: được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch; có 2 kết quả PCR âm tính liên tiếp, trong đó lần gần nhất trước khi được xác nhận cho đi làm việc tại doanh nghiệp 1 ngày.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Bắc Giang, các nhà máy khi hoạt động trở lại phải đáp ứng các điều kiện: bố trí đón NLĐ đến nơi ở tập trung ít nhất 3 ngày; thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lao động; có khu nhà sử dụng làm nơi cách ly tập trung cho NLĐ khi cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.