Công nhân đóng tàu Bạch Đằng căng băng rôn đòi công ty trả nợ 15 tháng lương

Lê Tân
Lê Tân
01/07/2019 08:00 GMT+7

Từ một đơn vị tiêu biểu trong ngành đóng tàu ở Hải Phòng, chỉ trong 2 năm, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng đã rơi vào khủng hoảng khiến công nhân phải căng băng rôn đòi lương .

Ngày 17.6, trước cổng Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng (số 3 đường Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) có hàng chục công nhân mặc áo đơn vị này biểu tình với khẩu hiệu: “Chúng tôi yêu cầu Ban lãnh đạo công ty thực thi quyền và nghĩa vụ đối với người lao động. 15 tháng nợ lương chúng tôi sống bằng gì”, “Cán bộ công nhân viên Công ty đóng tàu Bạch Đằng đề nghị ban lãnh đạo công ty thanh toán lương từ tháng 2.2018 - 5.2019”.
Hình ảnh đó có thể khiến nhiều người Hải Phòng ngỡ ngàng, bởi từ khi được ký quyết định thành lập vào năm 1961 đến nay, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng luôn là đơn vị đi đầu trong ngành đóng tàu ở Hải Phòng.
Trao đổi với Thanh Niên, các công nhân cho biết từ cuối năm 2017, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng, nợ lương, nợ bảo hiểm. Anh Thanh (50 tuổi, gắn bó với Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng hơn 20 năm) buồn bã nói: “Công ty bắt đầu nợ lương từ tháng 2.2018 đến nay. Mỗi tháng chúng tôi chỉ được ứng 1 - 2 triệu (trong khi lương của anh Thanh là 4 triệu công thêm lương năng suất). Từ đầu năm 2019 đến nay mới được ứng có 3 lần thôi”.
Nợ lương khiến cuộc sống người công nhân lâm vào cảnh khó khăn. Chị Yến, công nhân Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng, nói: “Mỗi tháng được ứng có tí tiền không đủ tiền chợ. Còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Cuộc sống áp lực vô cùng. Một số anh chị em phải nghỉ tự do ra ngoài kiếm việc khác làm. Ai còn trụ thì ở lại thôi”.
Những ngày này, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng gần như không hoạt động. Cán bộ, công nhân còn lại đến công ty rồi lại ra quán nước ngoài đường ngồi chơi. Tại đó, nhiều công nhân đã nghĩ thi thoảng lại ra ngồi ngóng tin và hỏi lương của công ty.
Anh Nguyễn Văn Giao (44 tuổi, đã làm ở Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng được 15 năm) lo lắng: “Nghe anh em còn làm nói sắp tới sẽ tái cơ cấu, tinh giản mạnh lắm. Không biết công ty có trả nốt lương và chốt sổ bảo hiểm cho chúng tôi không. Đi làm chỗ khác cũng cần có cái sổ để đóng tiếp chứ”. Nói xong, anh Giao quay sang nói với một số công nhân khác ngồi cùng về việc sang một xưởng cơ khí ở huyện An Dương xin việc.
Xác nhận với Thanh Niên về tình trạng nợ lương của công nhân, ông Trương Hoàng Cao, Tổng giám đốc Đóng tàu Bạch Đằng, cho biết: “Công ty hiện nay rất khó khăn. Ngoài khó khăn chung của ngành đóng tàu thì chúng tôi gặp hai vướng mắc rất lớn.
Một là cầu tàu, khu neo đậu của công ty bị bồi đắp rất nhanh do tác động của việc xây dựng một khu đô thị gần đó. Chúng tôi mất mặt bằng sản xuất. Để khắc phục thì cần khoản 7 đến 10 tỉ để nạo vét. Điều này ngoài khả năng của công ty lúc này.
Hai là việc xây cầu Hoàng Văn Thụ khiến các tàu trên 3.000 tấn không thể vào công ty. Điều đó khiến 2 hợp đồng đóng mới và 2 hợp đồng sửa chữa của chúng tôi bị hủy bỏ. Không có việc thì không có nguồn thu”.
Theo ông Cao, từ năm 2018 đến nay, số cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Bạch Đằng đã giảm từ hơn 1.000 người xuống còn 200 người.
Ông Trương Hoàng Cao cũng cho biết đã nhiều lần báo cáo UBND TP.Hải Phòng, Bộ GTVT để xem xét tìm cách giải quyết nhưng chưa được. “UBND TP.Hải Phòng thì trả lời là không có căn cứ hỗ trợ kinh phí cho chúng tôi di chuyển. Bộ GTVT thì đang làm các quy trình để tái cơ cấu đơn vị, hiện vẫn chưa xong”, ông Cao nói.
Trả lời về quyền lợi của người lao động, ông Trương Hoàng Cao cho biết: “Trong vòng 3 tháng tới, công ty sẽ cố gắng giải quyết vấn đề lương cho công nhân. Tôi cũng đã lên bảo hiểm xã hội để tìm phương án chốt sổ bảo hiểm cho những người sẽ nghỉ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.