Công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ

25/03/2016 05:58 GMT+7

Thảo luận cho ý kiến về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật Tiếp cận thông tin vào chiều qua, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị phải mở rộng phạm vi cung cấp và tiếp cận thông tin.

Thảo luận cho ý kiến về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật Tiếp cận thông tin vào chiều qua, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị phải mở rộng phạm vi cung cấp và tiếp cận thông tin.

Theo đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), quy định về các thông tin thuộc loại bí mật như tại điều 6 của dự thảo là không cụ thể, không rõ ràng bởi hiện nay ngoài thông tin về bí mật nhà nước quy định theo Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 thì còn nhiều thông tin khác cũng được coi là mật và quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. “Đây sẽ là những khó khăn lớn để công dân xác định đâu là thông tin được và không được tiếp cận vì có quá nhiều văn bản quy định mà người dân lại không nắm rõ. Nếu chúng ta pháp điển hóa các thông tin công dân không được tiếp cận vào ngay trong luật này sẽ tạo sự thuận lợi cho người dân”, ĐB Vinh nói và cho rằng quy định như dự thảo “giống như một cái bẫy” cản trở người dân tiếp cận thông tin, đồng thời dễ bị các cơ quan tổ chức lợi dụng quy định này để tạo rào cản trong việc cung cấp thông tin.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng dẫn chứng trước đây tại Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng từng có câu chuyện nhiều người trở thành tỉ phú sau 1 đêm nhờ biết quy hoạch về các dự án hay mở đường. “Thời điểm đó, nhiều nơi cho rằng thông tin quy hoạch là bí mật nhà nước nhưng thực chất đây là những bí mật nhằm lợi ích nhóm. Do đó tôi đề nghị phải liệt kê tất cả những thông tin nào là bí mật vào trong luật”, ĐB An kiến nghị. Tương tự, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng luật cần quy định để tránh tình trạng lạm dụng bưng bít thông tin. ĐB Tuyết nói: “Luật Tiếp cận thông tin phải được xây dựng trên quan điểm công khai là tối đa, bí mật chỉ là ngoại lệ”. ĐB Tuyết đề nghị bổ sung thêm các chủ thể cung cấp thông tin, không chỉ cơ quan nhà nước mà còn bao gồm các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sử dụng ngân sách như trường học, bệnh viện…
Lãng phí niềm tin của nhân dân
“Hãy thử lật giở lại các nghị quyết của Đảng từ trước tới nay để thấy rằng trong đó thường nói tới việc người dân giảm sút niềm tin”, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị tại phiên thảo luận KT - XH và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 sáng qua. Bà nói tiếp: “Cứ cộng dồn lại xem nó như thế nào. Cứ nhiệm kỳ này đánh giá người dân giảm sút niềm tin, nhiệm kỳ sau lại tiếp tục nói người dân giảm sút niềm tin, cứ thế cứ thế thì nó còn giảm nữa như thế nào, ảnh hưởng ra sao? Chúng ta đang lãng phí niềm tin của nhân dân”.
Nguyên nhân của lòng tin bị sứt mẻ, giảm sút, theo ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận), chính bởi sự buông lỏng trong quản lý, nói không đi đôi với làm, là sự nhờn luật. Dẫn lại vụ vi phạm trật tự xây dựng xảy ra ở cao ốc 8B Lê Trực và Vườn quốc gia Ba Vì, ông Huệ bức xúc cho rằng công tác giám sát đang quá lỏng lẻo. Sai phạm lớn như vậy, xảy ra giữa thủ đô mà các cơ quan chức năng Hà Nội không hề hay biết. Đáng nói, khi phát hiện vi phạm, tình trạng “phạt nhưng vẫn cho tồn tại” càng khiến người dân bức xúc hơn. Ông Huệ tiếp tục dẫn chứng một loạt vụ lừa đảo bán hàng đa cấp Liên kết Việt, hàng nhái, hàng giả, an toàn thực phẩm... rồi chốt lại: “Ở VN chúng ta có cái vô cùng nghịch lý là phạt cho tồn tại, còn trên thế giới thì chẳng bao giờ có. Đấy là những cái yếu kém, hạn chế chúng ta cần khắc phục”.
Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.