Công cụ pháp lý là cần thiết, nhưng chưa đủ

27/07/2014 09:00 GMT+7

Sử dụng công cụ pháp lý không có nghĩa là triệt tiêu các phương thức đấu tranh khác để đối phó với các động thái vi phạm chủ quyền VN.

Công cụ pháp lý là cần thiết, nhưng chưa đủ

Các đại biểu quốc tế trao đổi tại hội thảo - Ảnh: Diệp Đức Minh


Đó là quan điểm đạt được nhiều đồng thuận từ 50 học giả VN và quốc tế thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học lớn của nhiều nước trên thế giới tại hội thảo “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển VN”, do Trường ĐH Luật TP.HCM và Hội Luật gia VN tổ chức hôm qua 26.7 tại dinh Thống Nhất (TP.HCM).

 

Quan điểm của ông Clinton về sự lấn át của nước lớn

Tại một hội nghị ở tỉnh Quảng Đông ngày 25.7, khi trả lời câu hỏi liên quan tới tầm ảnh hưởng với thế giới của Trung Quốc, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề cập đến cách Bắc Kinh hành xử với các nước nhỏ ở biển Đông, theo tạp chí Fortune. Cụ thể, ông Clinton khẳng định vấn đề đối với tranh chấp ở biển Đông là Trung Quốc khăng khăng muốn đàm phán song phương vì họ có thể dùng thế mạnh của nước lớn để áp đặt những quốc gia khác. “Lập trường của Mỹ là: Chúng tôi không quan tâm cách giải quyết vấn đề là gì, nhưng cần phải có giải pháp... để VN, Philippines và những nước nhỏ khác không bị lấn át bởi sự cách biệt về tầm vóc giữa họ với Trung Quốc”, ông Clinton nhấn mạnh. 

Văn Khoa

Trong buổi họp báo chiều 24.7 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết hiện giàn khoan Hải Dương-981 đã được Trung Quốc dịch chuyển khỏi vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN. Theo các chuyên gia tham dự hội thảo nói trên, với động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc, VN sẽ có thêm thời gian để cân nhắc tất cả các biện pháp phù hợp đối với hành vi hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 vừa rồi cũng như ứng phó với các tình huống mới liên quan đến biển Đông.

Trả lời Thanh Niên bên lề hội thảo, ông Chito Sta. Romana, Chủ tịch Hội Nghiên cứu TQ của Philippines, cho biết hoàn cảnh của Philippines không cho phép nước này có lựa chọn khác để đối phó với các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Ông Romana cho biết sau khi khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Philippines đã và đang vẫn phải trả giá về mọi phương diện - từ ngoại giao, chính trị lẫn kinh tế - vì những hành động đáp trả từ Bắc Kinh. Ông Romana nhận định: “Các bạn có cơ hội để lựa chọn giải pháp nào là tối ưu nhất cho mình. Điều quan trọng là khi đã có quyết định cuối cùng, hãy mạnh mẽ thực hiện đến cùng phương án đó và cũng hãy chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những đòn đáp trả khó lường trước được của Trung Quốc”.

Áp lực quốc tế

Bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư dân chủ quốc tế, nói: “Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận mình làm sai, kể cả những cái sai mà cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ như việc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN. Tham vọng của một nước cho mình quyền bất tuân luật pháp quốc tế vẫn còn đó”.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhận định VN không nên coi việc khởi kiện là động thái duy nhất và cuối cùng; thay vào đó, một phương thức tổng hòa kết hợp các biện pháp chính trị - ngoại giao cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế vẫn luôn cực kỳ quan trọng. Giáo sư Baladas Ghoshal, Giám đốc Học viện Nghiên cứu Ấn Độ Dương, nói: “Tôi không coi công cụ pháp lý là giải pháp duy nhất vì từ năm 2007, Trung Quốc đã tự đặt mình ra khỏi cơ chế giải quyết bất đồng của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Bắc Kinh cũng hoàn toàn có khả năng phủ quyết các quyết định bất lợi cho mình nếu vấn đề này được đưa lên Hội đồng Bảo an. Do vậy, các bạn VN không nên chỉ dựa vào biện pháp duy nhất để đối phó với các hành vi của Trung Quốc mà nên kết hợp tổng hòa nhiều động thái khác”.

 

Nhiều học giả tham dự hội thảo cho rằng VN cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản các chứng cứ pháp lý, lịch sử và nội dung để khởi kiện khi thực sự cần thiết. Đặc biệt là cần nghiên cứu kỹ để vận dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” để chứng minh cho luận điểm và các tuyên bố của mình đối với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của VN trên biển Đông theo UNCLOS. Ngoài ra, các học giả cũng kiến nghị VN cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý, đặc biệt là Philippines, cả về việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cũng như kinh nghiệm đối phó với những phản ứng về chính trị, kinh tế, ngoại giao của Trung Quốc.

Đình Phú

Giáo sư Ghoshal nêu rõ điều cần kíp lúc này là ASEAN phải gây sức ép để Trung Quốc nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC). Ông nhận định: “Cái quan trọng là phải gia tăng áp lực quốc tế không ngừng lên Trung Quốc để buộc họ chấm dứt các hành vi tương tự vừa qua”.

“Tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương

Theo các chuyên gia, mặc dù Trung Quốc tỏ vẻ không đoái hoài đến áp lực quốc tế khi thực hiện các hành vi đơn phương nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền của mình, nhưng thực sự Bắc Kinh không thể cứ tiếp tục làm ngơ nếu như áp lực từ các cường quốc khác - đặc biệt là Mỹ - ngày càng gia tăng.

Trung tướng Anup Singh, nguyên Tổng tư lệnh Bộ Tư lệnh hải quân miền Đông Ấn Độ, nói với Thanh Niên: “Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho Mỹ chứng minh cam kết của mình đối với chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương”. Ông Singh đặc biệt nhấn mạnh những gì báo chí Trung Quốc nhận định trong khoảng 20 ngày trở lại đây, sau khi Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận hải quân quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ khởi xướng tại Hawaii. Theo đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng: đây là thời điểm thích hợp để “hàn gắn” quan hệ với Mỹ và do đó, theo ông Singh, sự can dự kịp thời, nhanh chóng của Mỹ lúc này sẽ giúp ngăn ngừa tư tưởng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” và tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông.

An Điền

>> Nhiều chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo về biển Đông tại VN
>> Khai mạc hội thảo quốc tế 'Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.