Công bố mới nhất về vụ formosa gây ô nhiễm: Hải sản tầng đáy chưa ăn được

21/09/2016 09:00 GMT+7

Đó là thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo T.Ư do liên bộ Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường công bố.

Tầng nổi, đầm nuôi đã an toàn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đã có 1.040 mẫu hải sản được lấy hằng ngày ở các cảng cá, đầm nuôi, thuyền cá tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) và 300 mẫu hải sản đối chứng ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo kết quả phân tích, tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có xyanua. Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 4 tỉnh miền Trung đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định. Đối với hải sản tại các đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung cũng đều đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các mẫu hải sản sống ở tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá cam, cá trích, cá cơm và các loại hải sản khác tại 4 tỉnh miền Trung không phát hiện mẫu nào có phenol.
Tất cả hải sản cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá cam, cá trích, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản ở đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung đều có thể làm thực phẩm. Các loại hải sản khác như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng bán kính 20 hải lý chưa an toàn để làm thực phẩm
Bộ Y tế

Tuy nhiên, với hải sản sống ở tầng đáy như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá, Bộ Y tế phát hiện có 132/1.040 mẫu chứa phenol. Các mẫu này đều nằm trong vùng bán kính từ 5 - 25 km (tương đương từ khoảng 2,7 - 13,5 hải lý). Tỷ lệ nhiễm cao nhất ở biển Hà Tĩnh và Quảng Bình, thấp nhất ở biển Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Bộ Y tế khuyến nghị, người dân không ăn các loại hải sản sống ở tầng đáy thuộc 4 tỉnh miền Trung. UBND 4 tỉnh này tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phân loại hải sản theo từng lô. Chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm khi đã xét nghiệm an toàn. Đối với những lô hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ buộc tiêu hủy và đền bù theo quy định. Đồng thời, 4 tỉnh miền Trung cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn về các loại hải sản chưa đảm bảo an toàn và chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo việc khai thác, sử dụng hải sản an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các loại hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung. Tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol ở trên và các loại hải sản ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để xét nghiệm, giám sát.
Giám sát an toàn thực phẩm hải sản
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, sẽ thực hiện giám sát tại cảng cá, bến cá khi tàu của ngư dân cập bờ và lưu ý các loại hải sản tầng đáy thường gặp ở 4 tỉnh miền Trung. Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm khai thác được bốc dỡ từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất lấy mẫu 2 - 3 ngày/lần, tùy vào điều kiện thực tế ở địa phương. Số lượng mẫu sẽ đại diện cho các tàu đang đưa cá lên bờ tại thời điểm lấy mẫu, sẽ lựa chọn các cá thể mẫu đảm bảo đại diện tầng sinh thái (tầng đáy, tầng nổi) và các loại hải sản khác nhau.
Về đánh bắt, 4 tỉnh cần hướng dẫn người dân hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển, kết hợp với lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm với hải sản khai thác. Tuy nhiên, với ba vùng biển nhạy cảm mà hàm lượng độc tố còn cao là Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên-Huế (diện tích khoảng 160 km2), Bộ NN-PTNT khuyến cáo ngư dân chưa khai thác. Đồng thời, không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như câu đáy, lưới kéo, lặn lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh, trong vùng 20 hải lý trở vào bờ thuộc bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Về sản xuất muối, Bộ NN-PTNT khẳng định diêm dân có thể thực hiện bình thường và sẽ lấy mẫu giám sát chất lượng muối.
Biển sạch dần theo thời gian
Theo liên Bộ, sau kết quả công bố hiện trạng biển miền Trung ngày 22.8, vẫn còn ba khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên-Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ nên một số thông số môi trường trong nước biển cao hơn so với khu vực khác, cần tiếp tục giám sát.
Đến nay, kết quả quan trắc cho thấy tất cả các thông số nước biển ở 3 khu vực này đều nằm trong giới hạn quy định, đạt chuẩn với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh. Ba bộ khẳng định với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng nước biển tại 4 tỉnh này đã đạt chuẩn đối với vùng bãi tắm, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh. Bộ TN-MT sẽ tiếp tục triển khai quan trắc môi trường biển 4 tỉnh miền Trung để theo dõi hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.