Công bố hình ảnh 2 cá thể Mang lớn được ghi nhận tại Quảng Nam

Mạnh Cường
Mạnh Cường
23/05/2018 11:31 GMT+7

Hai cá thể Mang lớn, loài động vật vô cùng quý hiếm và đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng, đã được máy bẫy ảnh của WWF và các đối tác lần đầu tiên ghi nhận tại Quảng Nam.

Sáng 23.5, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết lần đầu tiên 2 cá thể Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), loài động vật vô cùng quý hiếm và đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng, đã được máy bẫy ảnh của WWF và các đối tác ghi nhận tại Quảng Nam.
Loài Mang lớn cực kỳ quý hiếm lần đầu tiên được ghi nhận tại Quảng Nam ẢNH: LEIBNIZ - IZW, WWF - VIỆT NAM.

Theo đó, vào cuối tháng 11.2017, máy bẫy ảnh của WWF và các đối tác đã ghi nhận hai cá thể Mang lớn một đực, một cái đang mang thai, tại Quảng Nam trong một hoạt động điều tra và đánh giá đa dạng sinh học khu vực do WWF-VN, Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật Hoang dã Leibniz (IZW) phối hợp cùng cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thực hiện.

Được biết, Mang lớn là một trong các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, đang đứng bên bờ tuyệt chủng.

Kể từ năm 2000 đến nay, loài động vật này mới chỉ được ghi nhận thông qua máy bẫy ảnh tại ba khu rừng của Việt Nam.

Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết hình ảnh cho thấy hai cá thể Mang lớn đều đang trong độ tuổi trưởng thành và sinh sản. Những hình ảnh này là minh chứng cho sự tồn tại của Mang lớn tại Quảng Nam, đồng thời cho chúng ta hy vọng về một quần thể có khả năng sinh sản của loài thú quý hiếm này.

Ông Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình của WWF-VN, cho biết chúng ta không có loài Mang lớn trong môi trường nuôi nhốt, vì vậy nếu loài này mất đi trong tự nhiên nó sẽ biến mất vĩnh viễn.

Các nhà khoa học đang cố gắng chạy đua với thời gian để bảo tồn loài thú quý hiếm này. Và nếu muốn thành công, chúng ta phải giải quyết được vấn đề cốt lõi đó là nạn đặt bẫy đồng thời thiết lập được những quần thể trong nuôi nhốt.

Mang lớn được các nhà khoa học biết đến kể từ năm 1994 và chỉ được tìm thấy trong dãy núi Trường Sơn, nơi giáp ranh giữa Lào - Việt Nam.
Năm 2016, do số lượng quần thể bị suy giảm quá mức, chủ yếu do đặt bẫy săn bắt trái phép, tình trạng của loài Mang lớn đã được chuyển từ bị đe dọa thành bị đe dọa nghiêm trọng trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa.
Hiện các đội nghiên cứu đang tiếp tục mở rộng khu vực khảo sát đa dạng sinh học bằng máy bẫy ảnh, trong đó bao gồm những nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và phía Bắc của tỉnh Quảng Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.